Hôm nhật thực, mặt trăng choàng ập đè mặt trời nước Mỹ, tôi lạc vào cõi khác. Giữa chiều, nắng vàng ươm, cả thị trấn đổ dồn về thư viện công cộng ngắm mặt trời hôn mê. Còn mình tôi giữa khu vườn vắng, vuốt chiếc lá này, ngửi bông hoa nọ, loanh quanh thương nhớ quê nhà. Lũ sóc thường ngày lanh chanh ôm quả khô chạy nhảy bỗng biệt tăm, lũ chim đang ríu ran ca bài hạnh phúc mùa hè chợt ngưng bặt. Nắng dần chuyển mầu, trắng tinh, như thể băng toàn Bắc cực tan chảy, từ từ sơn phết khắp hành tinh. Thứ nắng quái tôi từng thấy chói lên trên bậc thềm đêm cha tôi hấp hối, thứ nắng rợn tôi đã tắm trong hoàng hôn nào quyết định ra đi.

Rồi cây bắt đầu chuyển động, rễ bật gốc, lá vướn cao, lơ lửng trên những nhành cỏ đang hân hoan bung nở. Nắng nhạt đi, bầu trời thấp xuống. Tôi bay lên chơi vơi. Bay về ngôi làng chiêm trũng nằm giữa con sông nhiều cá và ngọn núi lắm ma. Cá nuôi trẻ con trong làng khôn lớn, ma ru người già vào giấc mộng sâu. Đêm ấy, sông la hét, sông vùng quẫy đạp tung bờ. Cơn giận từ thượng nguồn. Vỡ đê! Dấu ngã của từ vỡ rền lên như vó ngựa hỏa tốc, như còi xe cứu thương, át cả tiếng bão đang gầm rít điên loạn. Dưới ánh đèn loe loét, mẹ búi cao mớ tóc dày, lôi ra đôi quang gánh, vội vàng bỏ củ khoai vào chiếc thúng bên này, manh áo con vào thúng bên kia. Tôi ngồi trong màn, nhìn mẹ đi lại quanh nhà, vệt đèn trên tay nhấp nhổm lo âu. Mặc gió rít qua phên, mặc nỗi sợ mơ hồ, tôi ngủ thiếp giữa hơi thở mẹ quẩn quanh, giữa ánh đèn nguyện chú. Tôi út ít còn chưa đầy ba tuổi, vừa thôi bú mẹ.

Tỉnh dậy, tôi thấy mình nửa nằm nửa ngồi trong thúng, dưới đôi vai mẹ. Các anh chị nhíu nhít xung quanh, cùng dân làng chạy lụt. Mẹ gánh tôi lên núi, nhưng mẹ không thể gánh nhà lên núi, người làng tôi không thể gánh ngôi làng lên núi. Lúc quay về, làng đã chết đuối. Những chú lợn lềnh phềnh, bụi chuối chỏng chơ, bát nhang úp sấp… Làng khóc, mẹ khóc, tôi khóc. Hàng xóm kêu lên: ông trời ơi, sao ông ác thế! Tôi níu tay mẹ: ông trời ác hả mẹ? Không con ơi, thiên nhiên chỉ làm nhiệm vụ của mình, mây thì mưa, bão thì gió, còn vỡ đê là chuyện con người.

Chuyện con người? Lớn lên, biết bao lần tôi định cãi mẹ. Tuổi thơ tôi là cuộc chạy đua với trời, mỗi khi mùa về. Từ cây mạ non, từ vạn giọt mồ hôi của mẹ, thành lúa mẩy tròn phơi vàng sân. Mẹ giao tôi nhiệm vụ ngồi nơi bậc thềm mát, vừa đọc sách vừa đuổi gà, đuổi mưa. Gà không được ăn những hạt lúa mẹ sẽ xay- sàng- giã, sẽ nấu- đơm bát cơm ấm cho tôi ngày mưa. Mưa không được đổ ướt mốc meo công sức mẹ, không được gieo thêm nếp nhăn lên gương mặt mẹ. Không được không được. Giá tôi có thể lệnh cho trời đừng làm mây, cho gió đừng giông, nước đừng rớt xuống sân lúa vàng ươm mà mỗi hạt là một nụ cười một nước mắt một giọt máu một nỗi lo của mẹ. Hàng trăm lần, ngó thấy trời bớt trong, nắng bớt sáng, vườn bớt xanh là tôi cầu nguyện. Cầu Tổ tiên Chúa trời ông Bụt cô Tấm anh Sọ Dừa chú Sơn Tinh bác Mai An Tiêm ngăn trời mưa. Lúa trên sân cần khô, người trong căn nhà nhỏ đang đói, mẹ đã mệt lắm rồi. Chẳng bao giờ các ông bà kia giúp đứa trẻ. Vậy là trời vừa sầm xuống, tôi ba chân bốn cẳng gạt lúa thành đống, xúc vào thúng, còng lưng bê vô nhà. Có bận đang xúc thì mưa giông thẳng thừng rùng rùng dội xuống, lúa khóc, tôi khóc, vừa bê lúa ướt vừa khóc. Nhiều lần xúc – đổ lúa vào nhà xong xuôi, đứng thở không ra hơi. Mở mắt nhìn ra, mây hớn hở kéo đi, nắng vàng rạng rỡ nhấp nháy cười cợt chế giễu. Lại không ít trưa, đang yên lành, nắng chang chang, tự nhiên mưa đổ, hốt được thúng đầu tiên mang vào, quay ra thế giới đã khô tênh.

Chiến đấu với trời mệt quá, tôi xin mẹ ra đồng gặt lúa. Mẹ nói: mưa không đáng sợ như nắng, ngoài đồng nóng nực ai cũng mong mưa, trời mưa hay nắng có lý của trời, con cứ thuận theo mà làm mà sống. Mấy chục năm, tôi mang theo lời mẹ trên mọi bước đường. Mưa nắng thất thường là trời còn thương còn giận. Thử tưởng tượng ba trăm sáu lăm ngày chỉ âm u nhờ nhờ, không nắng gió chớp giật mưa giông, sẽ thê lương tới mức nào. Thiên nhiên vĩnh viễn ở trên loài người. Dưới ánh trăng, thân người ngồi trên cỏ khác gì thân cỏ thân kiến thân nai.

Một đêm đông, nhìn qua cửa kính khô lạnh, tôi thấy bầy nai nằm thành vòng tròn giữa vườn tuyết, đầu ngẩng cao nhìn trăng. Dưới trăng, mắt nai trong như pha lê, ngây thơ, thành khẩn, hoang đường. Cảnh tượng thần kỳ tới mức tôi nghĩ mình đang ở thiên đàng. Nhưng tôi không biết thiên đàng thế nào, nên quay vào giường, đặt kiếp người xuống, mơ về xa xưa. Xa xưa, dù sung sướng hay bất hạnh, vẫn là nơi chúng ta không thể đến, không thể với, như thiên đường.

Xa xưa ấy, người già trong làng đoán thời tiết qua viền trăng, mùi gió, chó gâu. Mặt trăng mặt trời có quầng thâm mỏi mệt lừ đừ giữa tầng mây trắng sữa, thể nào cũng có bão, lúa chín phải gặt thuyền xa phải về. Xa xưa ấy, vào mùa gieo trồng, tối nào mẹ cũng nhìn trời, không phải để chờ sao Chổi quét thóc vào bồ quét cường hào khỏi thôn. Mẹ ngắm sao định liệu ngày mai. “Sao mau thì mưa, sao thưa thì nắng”. Trời chi chít sao, mẹ vun lại đống rơm, che chắn chuồng gà. Vài ngôi sao buồn thiu mà kiêu hãnh ngó xuống, mẹ chuẩn bị mũ nón cho con tới trường đường xa khỏi nắng. Mẹ bảo trời không ác, trời thương chúng ta, trời báo trước cho loài người tai ương, nhưng chúng ta ngu dại.

Xa xưa ấy, đúng lúc chú họ tôi đang ôm trộm bó lúa khỏi sân hợp tác xã, bó lúa chú tự tay gieo gặt nhưng không thể mang về nhà, bó lúa cho mẹ già ốm yếu bát cháo loãng qua ngày, trăng bỗng nhảy ra khỏi đám mây gieo lưỡi gươm sáng. Bảo vệ hợp tác xã, bác cựu chiến binh đang nghe tin chiến trận biên giới Tây Nam vứt đài, chạy đến túm cổ kẻ trộm, gây dựng cuộc chiến khác, mặc cho van xin mặc cho khốn khổ. Đêm đó, bác cựu chiến binh cùng hai dân quân trẻ đánh chú họ tôi gần chết. Lúc cuộc chiến diễn ra, trăng trốn biệt giữa lớp mây câm ngủ. Trăng chỉ điểm rồi trăng náu yên. Người nông dân đi trộm lại lúa mình bị cướp lết tấm thân gầy nhom gõ cửa nhà tôi, thều thào: tại trăng mà em bị đánh, trăng ác lắm. Không, trăng không ác, chỉ người là ác. Từ chiếc giường nhỏ tối đen, tiếng bố nhỏ lấp đầy tai tôi.

Xa xưa ấy, đêm trăng sáng lóa, mẹ sàng gạo giữa sân, bố đang đạp xe về từ ngôi trường miền núi xa xôi. Tôi ra ngõ ngồi đợi, nhìn gió rì rào thổi mùa thu qua lại, nghĩ tới thanh quế ngọt cay bố sẽ đặt vào tay, tới hương rừng thiêng bám trên tóc bố trên túi xách vành xe. Mùi rừng, mùi thiên nhiên, mùi nguyên thủy, mùi thiên đàng. Bỗng giật mình dứt khỏi mơ màng bởi tiếng động mạnh, không phải bò kêu lợn rống hay cây đổ, mà là âm thanh thân người rơi xuống làn da của đất. Khoảnh khắc ấy, lúc tôi bật dậy, trăng biến mất, làng tối thui. Khi tôi dợm chân chạy vào gọi mẹ, trăng quay lại, thản nhiên trút ánh sáng xuống đường làng mấp mô. Tôi xoay người, nhìn ra, thấy bố nằm đó, chỏng khòe bên bụi duối, bánh trước xe đạp nằm xiên dưới hố trũng. Tôi khóc, mẹ chạy ra, bố nhăn mặt thắc mắc sao tự nhiên trước nhà có cái hố, sao bỗng dung trăng đang sống lại lăn quay ra bất tỉnh đúng lúc bố đạp xe đến gần.

“Mẹ ơi trăng thật ác!” Tôi nức nở hờn trách.

“Không, trăng rất hiền, là tại mây. Mây làm mưa giông xói đường thành hốc, mây lại che trăng làm bố ngã xuống.” Hai bàn tay chai sạn của mẹ vuốt từng sợi tóc tôi mảnh, từng sợi từ ngữ buồn.

Tôi ngước lên: “Vậy mây ác hả mẹ?”

“Không, mây cũng hiền như trăng, hiền như cây hoa dẻ. Chỉ con người là ác.”
Giọng mẹ trong như sương mà mạnh như vòi rồng. Bố lôi chiếc xe đạp cong vành lên, nheo mắt cười.

Mẹ ơi, thiên nhiên không ác, con người cũng không ác, con người chỉ yếu hèn. Nếu được quay về con đường làng ấy, đêm thu ấy, giờ khắc ấy, tôi sẽ nói thế, dưới mặt trăng hiền, giữa quê hương thinh lặng.

Đỗ Hoàng Diệu