Nằm kế cận và có phần nào cùng loại với các phương pháp xã hội học sáng tác là phương pháp tìm hiểu và nghiên cứu tiểu sử nhà văn để hiểu và lý giải tác phẩm văn học, được gọi ngắn gọn là phương pháp tiểu sử. Tuy nhiên, trong khi các phương pháp xã hội học sáng tác nghiên cứu nhà văn chủ yếu từ góc độ xã hội và trên bình diện xã hội, chẳng hạn như chúng tập trung chú ý đến thành phần xã hội, nghề nghiệp, nơi sinh, môi trường sinh sống và làm việc,… của nhà văn, thì phương pháp tiểu sử lại quan tâm cả cuộc sống và những mối quan hệ riêng tư của nhà văn.
Phương pháp tiểu sử là một trong những phương pháp được coi là kết quả của kinh nghiệm cuộc sống thực tiễn và cuộc sống khoa học chứ không phải là được hình thành từ các lý thuyết, các chủ nghĩa. Có thể nói đây là một trong những phương pháp đầu tiên, lâu đời nhất và cũng tồn tại trường kỳ nhất. Nó xuất phát từ một nhu cầu và kinh nghiệm đã có từ thời xa xưa. Đã từ lâu, xã hội có một nhu cầu là muốn tìm hiểu cuộc đời của các nhân vật quan trọng trong xã hội. Thế là xuất hiện thể tài tiểu sử, một thể tài viết về người thật, việc thật, nhưng vẫn là một tác phẩm sáng tác văn học, và ta có thể gọi nó thể tài tác phẩm “tiểu sử văn học”. Những tác phẩm tiêu biểu ở thời cổ đại về thể tài này là tác phẩm: Những sự kiện đáng nhớ của Xenophon (nhà văn và là nhà triết học người Hy Lạp, sống năm 430-355 trước Công Nguyên), hồi tưởng về cuộc đời của Socrates và biện minh cho nhà triết học này; Liệt truyện đối chiếu của Plutarkh (cũng là nhà văn Hy Lạp, sống năm 50-125 sau Công Nguyên), kể về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật nổi tiếng của Hy Lạp và La Mã cổ đại, có so sánh giữa một số nhân vật theo từng cặp: một bên là một nhân vật thuộc nền văn hoá Hy Lạp, bên kia là một nhân vật thuộc nền văn hoá La Mã hoặc ngược lại. Ví dụ như Plutarkh đã so sánh nhân vật huyền thoại La Mã Romulus với nhân vật huyền thoại Hy Lạp Theseus, so sánh ông vua huyền thoại Lycurgos của xứ Arcadia thuộc Hy Lạp với ông vua huyền thoại Numa Pompilus của thành Roma, so sánh vị chính khách La Mã Fabius [Maximus Verrucosus] với vị chính khách là nhà hùng biện La Mã Cicero với vị chính khách và là nhà hùng biện Hy Lạp Demosthenes, giữa vị chính khách và là tướng La Mã [Marcus] Antonius với vua xứ Makêđônia thuộc thế giới Hy Lạp cổ đại Demetrios I, Ngoài ra, ông còn sắp xếp từng cặp nhân vật tương xứng với nhau nhưng chưa so sánh mà để cho độc giả so sánh: ví dụ như cặp nhân vật Alexandor Đại Đế của Hy Lạp với hoàng đế La Mã Cesar [Caesar], cặp chính khách – tướng Hy Lạp Phokion với chính khách La Mã Cato trẻ… Từ đó, thể tài tiểu sử văn học đã đóng góp nhiều tác phẩm cho lịch sử văn học thế giới.
Đến năm 1753, nhà tự nhiên học người Pháp là bá tước Buffon [Georges Louis Leclerc] đã có một câu nói nổi tiếng: “Phong cách chính là con người” [Le style c’est I’homme même]. Câu nói này đã trở thành ngạn ngữ và không loại trừ khả năng là nó đã trở thành một động cơ kích thích việc tìm hiểu con người tác giả thông qua tác phẩm văn học của anh ta và ngược lại.
Đến năm 1791, cuốn sách Cuộc đời của Samuel Johnson (Nhà văn Anh thế kỉ XVIII) của James Boswell, được coi là tác phẩm đưa Boswell trở thành người viết tiểu sử văn học hiện đại lớn nhất, mở đầu cho thời hoàng kim của thể tài tiểu sử văn học. Chính nhà văn S.Johnson cũng đã phát biểu một câu nói nổi tiếng để cổ vũ cho thể tài này: “Thể văn tiểu sử trong văn học là cái mà tôi yêu thích nhất”.
Sang thế kỉ XIX, nhiều công trình tiểu sử văn học đã xuất hiện với dung lượng lớn. Đặc biệt chúng ta phải kể đến công trình Biographia Literaria (Biographical Sketches of My Literary Life and Opinions) [Tiểu sử văn học, những phác hoạ tiểu sử về cuộc đời và quan niệm văn học của tôi] của nhà thơ lãng mạn Anh Samuel Taylor Coleridge (2 tập, 1817). Trong cuốn sách này, nhà thơ đã kể về quan hệ bạn bè của mình với các nhà thơ cũng thời khác; về sự ảnh hưởng của các nhà triết học Đức đến sáng tác của ông; về quan niệm của ông đối với quá trình sáng tạo của một nhà thơ đối với những nguồn gốc lịch sử của các thành tố trong thơ. Biographia Literaria được coi là công trình phê bình văn học quan trọng nhất của giai đoạn văn học lãng mạn Anh, nó kết hợp triết học với phê bình văn học theo một cách mới và đã có ảnh hưởng lâu dài đến lịch sử văn học Anh và văn học thế giới. Và đây cũng có thể được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu đầu tiên về phương pháp phê bình tiểu sử (tất nhiên ở đây còn có cả bóng dáng của phương pháp khác nữa, trong đó có phương pháp xã hội học). Ngoài công trình này ra, chúng ta phải kể tới những công trình tiểu sử có dung lượng đồ sộ như công trình Cuộc đời của Huân tước Walter Scott (7 tập, 1837-1838) của John Gibson Lockhart. Trong khi đó ở Pháp có một nhà phê bình cũng quan tâm đặc biệt đến cuộc đời của nhà văn trong bối cảnh lịch sử – xã hội khi ông phê bình tác phẩm của họ, đó là Sainte Beuve (Charles Augustin, 1804-1869). Từ năm 1832 đến 1839, ông đã cho xuất bản tập tiểu luận phê bình mang tên Phê bình và chân dung văn học, trong đó, giống như nhà thơ Anh Samuel Taylor Coleridge, ông cũng khẳng định phương pháp tiểu sử – xã hội học của mình. Những công trình như vậy đã góp phần khẳng định thể tài tiểu sử văn học và phê bình tiểu sử, làm cho nó trở thành một thể tài được coi là “một ngành nghệ thuật tinh tế nhất và nhân văn nhất trong số các ngành nghệ thuật ngôn từ”, như lời của nhà văn viết tiểu sử văn học nổi tiếng người anh đầu tiên thế kỷ XX Lytton Strachey đã phát biểu.
Đến thế kỷ XX, nhà tâm phân học Sigmund Freud cùng nhiều nhà khoa học khác lại chủ trương nghiên cứu tác phẩm văn học để tìm hiểu tiểu sử tác giả. Và chính trong thời kỳ này đã bắt đầu xuất hiện sự đa dạng hoá các loại tiểu sử văn học; và phương pháp nghiên cứu – phê bình văn học bằng tiểu sử bắt đầu được triển khai mạnh. Nguyên tắc của phương pháp tiểu sử là dùng các yếu tố tiểu sử của nhà văn để lý giải tác phẩm văn học của nhà văn đó. Trong tinh thần ấy, các tác phẩm thuộc thể tài tiểu sử văn học như trên sẽ là một nguồn tư liệu phong phú giúp cho nhà nghiên cứu thực hiện thành công phương pháp này. Chính vì vậy mà thể tài tiểu sử văn học và phương pháp tiểu sử trong nghiên cứu văn học vẫn có chỗ đứng xứng đáng của chúng trong đời sống văn học hiện nay. Và phần viết về tiểu sử nhà văn trong văn học sử là rất cần thiết và bổ ích cho phương pháp tiểu sử. Chỉ có điều, phần viết này phải tuân theo các nguyên tắc tuyệt đối khách quan, trung thực, không gò ép và không được xuất phát từ định kiến.
Về mặt nguyên tắc, các yếu tối tiểu sử của nhà văn hoàn toàn có thể có mối liên hệ với tác phẩm của anh ta. Những mối liên hệ này có thể mang tính trực tiếp hoặc gián tiếp. Những mối liên hệ trực tiếp thường có các dấu tích thực chứng dễ phát hiện, nhưng còn các mối liên hệ gián tiếp thì chúng diễn ra ở mức trừu tượng hơn và phức tạp hơn. Nếu chúng ta không có óc phân tích logic thì khó có thể phát hiện được chúng và rất dễ đi đến chỗ áp đặt suy luận một cách khiên cưỡng, đi đến chỗ gán ghép sai một kết quả này cho một nguyên nhân khác.
Theo tôi, điều quan trọng trước hết trong phương pháp tiểu sử là ta phải xác định được các mối quan hệ về loại hình hoặc quan hệ về hệ thống giữa các yếu tố tiểu sử của nhà văn với các yếu tố của tác phẩm. Tức là phải xếp loại quan hệ cho các yếu tố tương ứng của hai thực thể này. Những yếu tố nào của tiểu sử được đem ra để lý giải cho những yếu tố của tác phẩm thì chúng phải có quan hệ loại hình hoặc quan hệ nhân quả với các yếu tố đó; một yếu tố của tác phẩm không thể được lý giải bằng bất cứ yếu tố nào của tiểu sử. Ví dụ ta không thể dùng tư cách công dân của một nhà văn để lý giải cho sự thành công của tác phẩm của anh ta; cũng như không thể gán ghép một cách võ đoán, thì với cùng một yếu tố tiểu sử, người ta hoàn toàn có thể gán cho nó cả sự thành công lẫn thất bại của một con người. Vấn đề là phải chứng minh được giữa hai yếu tố đó còn có các điều kiện trung gian nào khác nữa. Đấy mới chính là cách làm hợp logic của phương pháp tiểu sử.
Thứ hai, các yếu tố của tác phẩm không nhất thiết phải có đầy đủ các yếu tố đối ứng của chúng trong tiểu sử nhà văn. Do đó, không phải tất cả các yếu tố của tác phẩm đều có thể lý giải được bằng tiểu sử nhà văn. Ví dụ, một tác phẩm giãi bày tình cảm nội tâm sẽ dễ có khả năng có mối quan hệ trực tiếp với tiểu sử tác giả hơn so với một tác phẩm tả thực. Mặt khác, đối với những mối quan hệ gián tiếp giữa hai thực thể đó, thì việc xác định dấu ấn của tiểu sử trong tác phẩm sẽ chỉ là một việc phỏng đoán và cần phải được kiểm nghiệm thêm bằng các phương pháp khác.
Tóm lại, phương pháp tiểu sử hoàn toàn có thể có ích cho nghiên cứu văn học trong một số trường hợp và với một mức độ nhất định. Và trên thực tế hiện nay phương pháp này đang được nhiều người sử dụng, đặc biệt là trong nghiên cứu văn học sử, hay trong các tập tiểu luận phê bình thuộc loại hình “chân dung văn học”.
Ở nước ta, trước đây cũng đã có nhiều người áp dụng phần nào phương pháp tiểu sử. Ngay từ năm 1928, trong công trình Sự nghiệp và thi văn của Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ (xuất bản tại Hà Nội), ông Lê Thước đã sử dụng các sự kiện lịch sử có pha nhiều giai thoại về tiểu sử của Nguyễn Công Trứ để giải thích nghiệp chính trị, nghiệp võ và nghiệp văn của vị danh nhân này. Ví dụ ông Lê Thước kể:
“Một hôm cụ đi học đường xa, bà thân mẫu cấp cho một quan tiền để làm lộ phí. Lúc đi qua một cánh đồng, thấy lũ trẻ đang đánh dồi, cụ thấy vui cũng ghé vào đánh, chẳng mấy chốc đã thua sạch cả tiền; bèn đứng dậy ra đi, nhân vịnh bài thơ có câu rằng:
Tưởng làm đôi chữ cho vui vậy
Bỗng chốc nên quan đã sướng chưa?
Câu thơ ấy tuy tả cái cảnh đánh chơi mà thua thực, nhưng cái sự nghiệp khanh tướng về sau này đã phát lộ ra nơi cái khẩu khí của cậu học sinh du học”.
Sở dĩ phương pháp tiểu sử được các nhà nghiên cứu Việt Nam nói riêng và các nhà nghiên cứu phương Đông nói chung ưa dùng đầu tiên là vì ban đầu, người ta nhìn nhận và đánh giá sự nghiệp của con người bằng chính bản thân con người chứ ít khi tách bạch con người với thành quả của anh ta. Theo quan niệm Nho giáo về “thu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, thì mọi chuyện đều có thể giải thích bằng cái gốc “tu thân”. Chính vì vậy mà việc phương pháp tiểu sử là một phương pháp được sử dụng đầu tiên cũng là điều dễ hiểu.
Tiếp đó có khá nhiều tác giả sử dụng phương pháp tiểu sử để khảo cứu và phê bình về một nhà văn, nhà thơ riêng biệt. Ví dụ như Hoa Bằng khi nghiên cứu về thơ Hồ Xuân Hương, Trần Thanh Mại khi nghiên cứu Tú Xương và Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bách Khoa khi nghiên cứu về Nguyễn Du, thì họ đều quan tâm đến tiểu sử tác giả, đến thời đại và hoàn cảnh xã hội trong đó tác giả sinh sống. Trong số những người này, Trần Thanh Mại có thể là một trong số những người đầu tiên áp dụng phương pháp tiểu sử một cách rất triệt để và tự giác.
Chẳng hạn khi nghiên cứu về Hàn Mặc Tử trong công trình Hà Mặc Tử, thân thế và thi văn (Nxb, Huế – Võ Doãn Mại, 1941), Trần Thanh Mại (1911-1965) đã tuyên bố về cái phương pháp mà ông cho là “mới” của mình ở lời Tựa như sau:
“Với những phương pháp mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam, tôi đã phân tích ra từng cử chỉ, từng tính tình của nhà thi sĩ, từng gia đoạn trong đời người. Những cái ấy, mà bề ngoài tưởng như vô bổ ích, và chỉ để kéo cho dài dòng, tựu trung đều ăn nhịp với nhau như những vòng của một sợi dây chuyền để mà ảnh hưởng đến cái đích của người viết sách muốn đi tới: cắt nghĩa thi phẩm của nhà thơ [tôi nhấn mạnh – Nguyễn Văn Dân].
Không rõ thấu hết những cái vặt vãnh thắc mắc trong đời sống nhà thi sĩ thì không sao hiểu hết được thơ của người ấy […].
Khảo cứu về đời thi sĩ Hàn Mặc Tử, tôi phải xét rõ các thời đại chàng đã sống qua. Tôi phải viếng các xứ chàng đã ở, và sau cùng, tôi phải hỏi tất cả các người có liên lạc đến đời chàng. Và tôi nhận ra rằng học giả Tây phương tựu trung cũng không hành động ra ngoài phương pháp ấy”.
Như vậy là Trần Thanh Mại rất có ý thức về phương pháp tiểu sử mà ông sử dụng, mặc dù ông không gọi đích danh đó là phương pháp tiểu sử.
Trong công trình khảo cứu trên, Trần Thanh Mại đã phân tích ba yếu tố bệnh tật, người tình và tôn giáo và coi đó là bộ ba yếu tố cơ bản chi phối cuộc đời và thơ văn của Hàn Mặc Tử. Trần Thanh Mại nói rất kỹ đến cuộc đời bệnh tật của nhà thơ. Ông dành cả một mục để bàn về vấn đề này và đặt tên đích danh cho mục này là: Ảnh hưởng của bệnh trong thi văn Hàn Mặc Tử. Ông viết:
“Có nhiều tai nạn bất ngờ nó định đoạt được cả chí hướng, công cuộc và sự nghiệp của một đời người. Nếu một buổi mai tốt trời kia, đi qua một chiếc cầu sông cái, Blaise Pascal không suýt bị chiếc ôtô cán lên người, thì Cơ đốc giáo sẽ mất một người phụng sự đắc lực, và nguồn văn minh tư tưởng của thế giới sẽ thiệt thòi nhiều lắm. Lord Byron mà không có cái chân què thì nền thi ca nước Anh sẽ thiếu biết bao là nguồn cảm hứng thuần tuý cao siêu?[…].
Ấy là mới nói về ảnh hưởng của những sự tình cờ nho nhỏ đối với một đời người. Y học Âu Tây còn đề xướng lên một lý thuyết quan trọng hơn nữa. Theo thuyết lý thì phần đông trong số vĩ nhân hoàn cầu, sở dĩ làm nên sự nghiệp, vì do ảnh hưởng của những chứng bệnh của họ […].
Nhưng mà cái tỉ dụ rõ rệt nhất hẳn là bệnh suyễn kinh niên của nhà văn cận đại Marcel Proust. Nhờ ở cái bệnh nó đóng đinh nhà văn suốt đời trên giường, Proust mới phát kiến ra lý thuyết “thời gian” nó là một trong những toà tư tưởng lộng lẫy cao siêu của nhân loại.
Lấy riêng về cái trường hợp của thi sĩ Hàn Mặc Tử, thì ta phải nhận rằng thuyết ấy là đúng.
Hàn Mặc Tử có mắc phải bệnh hoạn thì văn chương Việt Nam mới thấy mở ra những cõi trời lạ lùng mới mẻ”.
Trần Thanh Mại đã phân tích hai hình tượng mà ông gọi là luận đề, đó là trăng và hồn, và cho rằng hai luận đề đó liên quan mật thiết đến bệnh hủi của chàng thi sĩ họ Hàn. Về sự liên quan giữa giữa trăng với bệnh hủi của họ Hàn, Trần Thanh Mại quả quyết: “Đây cũng là một vấn đề mà khoa học chưa nói được cái chữ cuối cùng. Dẫu sao riêng đối với thi sĩ Hàn Mặc Tử, thì ảnh hưởng của trăng với bệnh chàng đã làm rõ ràng chắc chắn lắm”. Tức là nhờ mắc bệnh hủi mà Hàn Mặc Tử mới nhạy cảm với trăng và sáng tác được những bài thơ về trăng hay đến thế.
Về yếu tố người tình, Trần Thanh Mại đã sử dụng tiểu sử của tác giả để dẫn ra những cái tên như Mộng Cầm, Mai Đình nữ sĩ, Thương Thương và coi họ là những nguồn cảm hứng cho thi ca của chàng thi sĩ họ Hàn.
Còn về yếu tố tôn giáo, Trần Thanh Mại Tử không chỉ đến với đạo Cơ Đốc, mà ông còn lấy cảm hứng sáng tác ở cả đạo Phật, mặc dù ông là tín đồ đạo Cơ Đốc. Trần Thanh Mại đã dẫn lời nhà thơ để chứng minh: “Tôi lợi dụng văn chương và triết lý nhà Phật để mà làm thơ thôi. Tôi dung hoà cả hai thể văn chương tôn giáo: Thiên chúa và nhà Phật. Đó chỉ là muốn làm giàu cho nền văn chương chung”.
Quả thực, đọc công trình trên của Trần Thanh Mại, chúng ta thấy nó đúng là một cuốn khảo cứu tiểu sử văn học. Mọi sự kiện thi ca của nhà thơ đều được tác giả gắn rất chặt với các sự kiện tiểu sử của nhà thơ, và điều quan trọng là tác giả đã dùng sự kiện tiểu sử nhà thơ để “cắt nghĩa thi phẩn” của nhà thơ. Và trên hết là tác giả viết với tất cả tấm lòng ngưỡng mộ và thương tiếc đối với nhà thơ xấu số. Tuy nhiên trong số những ý kiến của Trần Thanh Mại cũng có ý kiến có phần chủ quan. Chẳng hạn như ông khẳng định rằng ở họ Hàn có sự ảnh hưởng của bệnh tật đến tài năng thi ca; rằng có sự ảnh hưởng “chắc chắn” của trăng đến bệnh tật của nhà thơ, mặc dù ông vẫn ông nhận rằng về điều này “khoa học chưa nói được cái chữ cuối cùng”.
Hơn nữa, việc sử dụng các tư liệu tiểu sử không phải là một việc dễ dàng. Nó đòi hỏi phải có một sự chính xác và cẩn trọng cao độ. Trần Thanh Mại đã bỏ nhiều công sức để sưu tầm tiểu sử Hàn Mặc Tử, vậy mà Nguyễn Bá Tín, em ruột Hàn Mặc Tử, trong cuốn sách Hàn Mặc Tử anh tôi (1991), lại có một số ý kiến phản bác. Ví dụ ông Tín cho rằng Trần Thanh Mại đã bịa ra chi tiết mẹ Hàn Mặc Tử vì uống rượu say do cha Tử làm công chức sở Tây đem rượu lậu bắt được về nhà mà sinh ra Tử thiếu tháng. Ông cũng phản bác ý kiến Trần Thanh Mại cho rằng Hàn Mặc Tử có thể bị bệnh tâm thần. Về điểm này ông Tín viết:
“Theo tôi thì anh Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử) là một người bình thường như mọi người […].
Thế nhưng cái gì đã xảy đến, biến đổi anh trở thành khó hiểu như vậy […].
Tôi đã ghi nhận biến cải đó từ sau lần anh suýt chết đuối ở bờ biển Quy Nhơn.
Mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn sợ hãi, không quên được cảnh tượng tôi trông thấy Anh không còn giống anh nữa. Anh khác lạ hẳn đi với đôi mắt lạc thần.
Cảnh tượng đó ám ảnh tôi mãi mà tôi tin anh đã được ơn cứu trợ lạ lùng của Đức Mẹ.
Cho đến nay đức tin đó, tôi xem là đáp số vững chắc để cắt nghĩa những gì nghi ngại về Anh.
Trong khi Trần Thanh Mại lý giải sự ám ảnh của trăng đối với Hàn Mặc Tử bằng nguyên nhân bệnh hủi, thì ông Tín nói thi sĩ họ Hàn đã bị ám ảnh bởi vầng trăng kỳ lạ ở động cát Sa Kỳ (Quảng Ngãi) kể từ năm 1924, khi gia đình ông chuyển về đây sinh sống (trong khi đó mãi đến hơn 10 năm sau, năm 1935, nhà thơ mới có triệu chứng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo). Từ năm 1924, trước cả khi nhà thơ mắc bệnh hủi rất lâu, “Trăng [đã] trở thành một ám ảnh, một thói quen trong thơ Hàn Mặc Tử, không thể thiếu được cho thơ Anh”. “Và tiếc thay – ông Tín viết – ông Mại đã để mất đi cái vòng xích của sợi dây chuyền vặt vãnh, như ông đã nói, nên ông không thể hiểu biết cội rễ con trăng đã ảnh hưởng đến văn thơ Hàn Mặc Tử như thế nào”.
Về cuốn sách của Trần Thanh Mại, nhà thơ Quách Tấn bạn thân của Hàn Mặc Tử, cũng đã phản đối kịch liệt, đặc biệt là về chi tiết mẹ Hàn Mặc Tử vì uống rượu bắt lậu say mà sinh ra Tử thiếu tháng, và chi tiết nữ sĩ Mai Đình nuôi Hàn Mặc Tử; về hai chi tiết này, ông Quách Tấn đã kết tội Trần Thanh Mại là bịa đặt.
Sự việc trên cho thấy phương pháp tiểu sử không phải là một phương pháp đơn giản, bởi vì nó đụng đến người thật việc thật, trong đó có những chi tiết rất tế nhị mà người ta khó có thể biết được đúng sai khi có những ý kiến trái ngược về chúng.
Dù sao ông Nguyễn Bá Tín cũng vẫn khẳng định rằng, nhờ có cuốn Hàn Mặc Tử của Trần Thanh Mại mà “thơ anh Trí” được người đời rộng rãi biết đến. Và giới phê bình cũng coi đó là cuốn sách thành công nhất của Trần Thanh Mại trước Cách mạng. Nhà phê bình Thanh Lãng sau này còn nói rõ hơn: “… nếu ta đã nói Trông dòng sông Vị (1935) là một thí nghiệm thất bại, thì Hàn Mặc Tử (1941) là một nỗ lực đã đi đến thành công. Về phần ông Nguyễn Bá Tín, ta có thể nói cuốn sách của ông cũng là một cuốn sách thuộc thể tài phê bình tiểu sử văn học, mặc dù chỉ coi đây là một cuốn hồi ký.
Như vậy luôn luôn có hai vấn đề đặt ra đối với phương pháp tiểu sử:
1. Đối với những tác gia đã qua đời, những chi tiết tiểu sử cần phải được khảo cứu một cách khách quan, chính xác, phải được xem xét từ nhiều nguồn để đảm bảo tính xác tín của chúng; thậm chí nếu cần có thể còn phải sử dụng đến cả các phương pháp và biện pháp khoa học chính xác để kiểm chứng.
2. Việc áp dụng phương pháp tiểu sử cần tránh lệ thuộc vào nó, tránh những định kiến, tránh những gò ép áp đặt một cách máy móc, thô thiển. Nếu áp dụng nó một cách máy móc thì rất dễ dẫn đến những nhận định thiếu chính xác.
Về điều nói trên, chính là nghiên cứu Trần Thanh Mại cũng đã tự rút ra được một bài học cho bản thân khi nghiên cứu Tú Xương. Năm 1935, Trần Thanh Mại đã viết công trình Trông dòng sông Vị (phê bình văn chương và thân thế Trần Tế Xương), khảo cứu về nhà thơ Trần Tú Xương. Đến năm 1961, khi viết lại cùng với Trần Tuấn Lộ một công trình khảo cứu mới về Tú Xương mang tên: Tú Xương, con người và nhà thơ, ông đã vạch ra một số nguyên nhân dẫn đến những cách hiểu lệch lạc đối với Tú Xương. Trong những cách hiểu lệch lạc có hai quan niệm sai lầm chính là:
1. Cho rằng Tú Xương chỉ vì hỏng thi mà bất mãn, làm thơ để chửi đổng cho hả mối căm tức.
2. Cho rằng nhà thơ chỉ là một thứ triết gia hành lạc, một kẻ ăn chơi liều lĩnh, sinh sống bên tha, chẳng có tâm tư gì thanh cao, chẳng có tư tưởng gì đáng trọng.
Trong số các nguyên nhân dẫn đến những quan niệm sai lầm nói trên, Trần Thanh Mại đã chỉ ra một nguyên nhân khách quan là “nhiều người chưa hiểu rõ con người thật của Tú Xương, chưa có dịp đi sâu nghiên cứu đời sống của nhà thơ, rồi vô tình để cho một vài cảm tưởng đầu tiên đối với một số thơ văn ông đưa đến nhiều nhận định không chính xác”. Rồi Trần Thanh Mại đã “tự kiểm điểm bản thân” như sau: “Xin thú nhận rằng cách đây hai mươi lăm năm, chúng tôi cũng đã mắc phải sai lầm này khi viết cuốn Trông dòng sông Vị”. (Chính vì thế mà nhà phê bình Thanh Lãng đã kết luận cuốn sách này là một thí nghiệm thất bại). Trong lời nói đầu của cuốn Tú Xương…, Trần Thanh Mại đã nói rõ về cái sai lầm của ông trước đây là: “… tôi – Trần Thanh Mại – […] đã bị rơi vào cái quan điểm lệch lạc chung cho rằng Tú Xương là một người ăn chơi truỵ lạc”. Và ông nói rõ thêm: “Về sau, thứ nhất là từ thời kỳ kháng chiến trở về đây, nhờ được học tập thêm và học tập đúng đường lối khoa học, tôi bắt đầu thấy, và càng ngày càng rõ hơn, những cái sai đúng lúc trước của mình”. Tức là về sau Trần Thanh Mại đã biết kết hợp phương pháp tiểu sử với phương pháp xã hội học để nghiên cứu đối tượng. Xem thế thì đủ thấy phương pháp tiểu sử đòi hỏi một sự thận trọng như thế nào.
Ở Việt Nam hiện nay, ngoài những công trình văn học sử có đề cập đến tiểu sử của nhà văn, thì những công trình được gọi là phê bình tiểu sử văn học thường là xoay quanh việc phác hoạ chân dung văn học của nhà văn, thậm chí có công trình còn được gọi đích danh là “chân dung văn học”; và có nhà phê bình còn dành cả đời mình cho thể tài “chân dung” này. Đó là công việc nghiên cứu về thân thế và sự nghiệp của các nhà văn. Tuy nhiên, khi làm cái việc được nhiều người gọi là “vẽ chân dung văn học” ấy, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã rất có ý thức sử dụng phương pháp tiểu sử một cách khoa học, có kết hợp nó một cách biện chứng với phương pháp nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử – xã hội nhằm tránh dẫn đến những kết luận phiến diện, chủ quan. Chính vì thế mà chúng tôi muốn lưu ý một điều quan trọng cuối cùng là: phương pháp tiểu sử chỉ là một phương pháp bổ sung, dứt khoát nó phải được kết hợp với các phương pháp phân tích văn bản cận cảnh và với các phương pháp tổng quan thì ta mới có thể thu được kết quả như mong muốn. Bởi vì, tác phẩm văn học không phải chỉ được hình thành bởi các sự kiện tiểu sử của nhà văn, mà còn là kết quả của cảm xúc và trí tưởng tượng của nhà văn, cũng như là kết quả tác động của hoàn cảnh lịch sử, của hoàn cảnh xã hội, và của hoàn cảnh văn hoá – văn học của thời đại.
Nguyễn Văn Dân
Theo: Phương pháp luận nghiên cứu văn học