Hệ thống, như tôi đã nói – là “Tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất” (Từ điển tiếng Việt). Trong các cuốn từ điển tiếng Anh và tiếng Pháp, người ta cũng đều định nghĩa hệ thống là một tập hợp các sự vật có mối quan hệ giữa các thành phần thường là quan hệ nhân quả. Còn trong khoa học luận, lý thuyết hệ thống được coi là một lý thuyết đại cương và liên ngành nghiên cứu các hệ thống về mặt logic và toán học. Từ đó chúng tôi định nghĩa phương pháp hệ thống là phương pháp có đối tượng nghiên cứu là các hệ thống trong thiên nhiên hoặc trong xã hội, hoặc là một phương pháp dùng mô hình hệ thống để nghiên cứu các sự vật.

Như vậy, phương pháp hệ thống là một phương pháp vừa mang tính vi mô vừa mang tính vĩ vô. Trong nghiên cứu văn học, chúng ta có thể coi một tác phẩm hay toàn bộ sáng tác của một nhà văn, một thể tài, một thể loại, một nền văn học, như là những hệ thống. Đây là quan điểm được nhiều người tán thành. Cho nên phương pháp này cũng dễ trùng hợp với phương pháp loại hình. Tuy nhiên, cái khác căn bản giữa phương pháp hệ thống và phương pháp loại hình là: trong khi phương pháp loại hình chú ý đến quan hệ cộng đồng giá trị, thì phương pháp hệ thống lại chú ý đến quan hệ phân cấp và quan hệ nhân quả. Quan hệ phân cấp sẽ chi phối không phải chỉ ở trong phạm vi một hệ thống, mà nó còn chi phối giữa hệ thống này với hệ thống khác, khi ấy có phương pháp nghiên cứu hệ thống trong hệ thống. Theo tinh thần này thì quá trình văn học chưa phải là hệ thống cuối cùng, mà nó có thể còn được nghiên cứu trong mối quan hệ phân cấp với các hệ thống chi phối nó: hệ thống nghệ thuật, hệ thống văn hóa, hệ thống xã hội…

Chẳng hạn khi so sánh Truyện Kiều của Nguyễn Du với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, để hỗ trợ việc so sánh văn bản giữa hai tác phẩm, trước hết chúng ta có thể đặt Truyện Kiều vào hệ thống truyện về đề tài Thúy Kiều của Trung Quốc, sau đó đặt nó vào hệ thống truyện thơ nôm Việt Nam, rồi lại đặt nó vào hệ thống các tác phẩm của Nguyễn Du, vào hệ thống ngôn ngữ thơ ca của văn học Việt Nam, và cuối cùng là vào hệ thống văn hóa – xã hội mang tính chất thời đại Phục hưng của Việt Nam trong sự so sánh với thời đại Phục hưng của thế giới. Tất nhiên, việc chọn hệ thống nào là tùy thuộc vào yêu cầu và mục đích cụ thể của mỗi công trình nghiên cứu. Ví dụ, nếu muốn chứng minh giá trị sáng tác của Truyện Kiều để phản bác lại quan niệm cho rằng Truyện Kiều là môt tác phẩm phỏng dịch, ta có thể chọn hệ thống tác phẩm của Nguyễn Du và hệ thống ngôn ngữ thơ ca của dân tộc Việt Nam để hỗ trợ cho phương pháp so sánh văn bản.

Trong thực tiễn nghiên cứu, đôi khi thuật ngữ hệ thống lại được thay thế bằng một thuật ngữ cụ thể hơn. Chẳng hạn, như chúng ta thấy ở mục Phương pháp xã hội học, L. Goldmann đã dùng thuật ngữ cấu trúc để chỉ các giai tầng văn hóa và xã hội. Nhưng trên thực tế ta có thể gọi các cấu trúc [hay cơ cấu] đó là các hệ thống, bởi lẽ, mỗi giai tầng văn hóa – xã hội mà Goldmann dẫn ra đều là một thể thống nhất với những mối quan hệ chi phối chặt chẽ. Cho nên thực chất “phương pháp cấu trúc phát sinh” của ông là “phương pháp hệ thống – cấu trúc phát sinh”.

Lợi ích cơ bản của phương pháp hệ thống là nó giúp ta xác định được vị trí [hay “tọa độ”] của một sự vật trong mối quan hệ phân cấp với các sự vật khác, qua đó giúp ta đánh giá được đầy đủ giá trị và ý nghĩa của sự vật đó. Đây là một lợi ích rất quan trọng. Ví dụ khi ta phải xác định danh phận của truyện kinh dị như tôi đã trình bày ở mục Phương pháp loại hình, thì đồng thời ta cũng phải xác định vị trí [hay tọa độ] của nó trong cái hệ thống loại hình văn xuôi huyễn tưởng. Như vậy, đối với “sự cố” truyện kinh dị, thực ra chúng ta phải kết hợp cả hai phương pháp là phương pháp loại hình và phương pháp hệ thống để xác định danh phận và “tọa độ” của nó.

Tôi xin nhắc lại rằng “sự cố” truyện kinh dị là kết quả của một sự tiếp nhận văn học thế giới một cách không đồng bộ. Nhưng thế nào là tiếp nhận đồng bộ? Đó là sự đồng bộ giữa tiếp nhận sáng tác văn học với tiếp nhận lý luận – phê bình của nhân loại. Và sự đồng bộ này là một sự đồng bộ về mặt hệ thống. Tức là một mặt chúng ta phải tiếp thu các thành tựu sáng tác văn học của nhân loại một cách có hệ thống, đi từ thời cổ đại đến nay, qua các thời kỳ, giai đoạn, với những trào lưu, trường phái tiêu biểu trong một bức tranh văn học toàn cảnh. Mặt khác khi tìm hiểu các thành tựu lý luận – phê bình của thế giới thì chúng ta phải có ý thức tìm hiểu bức tranh lý luận – phê bình của thế giơi trong một chỉnh thể hệ thống bao quát vĩ mô, bao gồm trong nó các hệ thống chuyên biệt như: hệ thống các phạm trù và các khái niệm văn học; hệ thống các quan niệm về văn học; hệ thống các lý thuyết nghiên cứu văn học; hệ thống các phương pháp luận nghiên cứu văn học,… Thiết lập một mối quan hệ hệ thống nhất hữu cơ giữa việc tiếp nhận các thành tựu về lý luận – phê bình sẽ có một ý nghĩa quyết định đối với việc lĩnh hội các hiện tượng văn học thế giới. Có thể nói, “sự cố” về truyện kinh dị trong thị trường sách văn học Việt Nam đã cho chúng ta một bài học nhãn tiền.

Tóm lại, phương pháp hệ thống là một phương pháp tổng quan, nó có thể được sử dụng một cách hiệu quả cho các đề tài mang tính bao quát như nghiên cứu về các thời kỳ văn học, các trào lưu, trường phái, chủ nghĩa, hay đặc biệt là áp dụng cho các công trình nghiên cứu biên soạn văn học sử thế giới. Trong những trường hợp này, việc kết hợp phương pháp hệ thống với phương pháp so sánh sẽ tỏ ra đặc biệt có hiệu quả. Chính vì thế mà trên thế giới người ta đang thực hiện những công trình nghiên cứu văn học sử ở cấp khu vực và ở cấp thế giới bằng phương pháp so sánh – hệ thống. Mặt khác, phương pháp hệ thống còn được sử dụng hỗ trợ các phương pháp cận cảnh để hoàn thiện một công việc nghiên cứu mà thiếu nó thì nhiều khi quá trình tiếp cận chân lý mới chỉ thu được những kết quả rời rạc, cụ bộ.

Đến đây chúng tôi muốn nói thêm rằng, việc áp dụng phương pháp hệ thống để nghiên cứu sự vật hoàn toàn không giống với việc trình bày một công trình khoa học theo mô hình hệ thống. Bởi lẽ trên thực tế, hầu như bất cứ một công trình khoa học nào, để có được sự mạch lạc, cũng đều phải được trình bày theo một bố cụ có hệ thống. Song, đây là một thao tác kỹ thuật của công việc trình bày kết quả nghiên cứu, chứ nó không thuộc đối tượng và nội dung của việc nghiên cứu như tinh thần cuốn sách này đề ra. Do vậy chúng tôi sẽ không nói đến công việc đó ở đây.

Nguyễn Văn Dân

Xem thêm: Phương pháp luận và phương pháp luận nghiên cứu văn học là gì?