Trong những thời khắc đặc biệt của lịch sử sẽ xuất hiện những con người phi thường. Thời đại nhà Trần là một trong những thời khắc đặc biệt như vậy. Có thể nói, trong dòng chảy của các triều đại phong kiến, những vinh quang, những hào sảng với biết bao nhiêu gương mặt ưu tú của dân tộc Việt đều hội tụ về đây để cùng soi bóng và tỏa sáng vầng hào quang chói lọi. Vào thời khắc đặc biệt ấy, danh tướng Phạm Ngũ Lão đã kịp xuất hiện đúng lúc để ghi dấu ấn đậm nét của mình lên trang sử dân tộc dường như đang mở rộng để chào đón người hiền tài với khát vọng lập công danh đang vẫy gọi. Những chiến tích nơi sa trường, những thanh âm của tiếng gươm khua, ngựa hí dần lùi lại phía sau; chỉ còn lại đây một trang nam nhi đang suy ngẫm, đang cuồn cuộn những khát vọng, những ý thức sục sôi trách nhiệm trước non sông:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

(Múa giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.)

1. Từ dáng đứng của chí làm trai và khát vọng …

Trong thi pháp văn học trung đại, thiên nhiên là con thuyền chuyên chở những biểu tượng. Ở thế giới tâm linh người Việt, cuộc sống tự nhiên với đời sống tâm hồn con người là hai thực thể gắn bó khăng khít, giao hòa và khó lòng tách bạch. Ở đó, không có gì hoàn mĩ, vĩnh cửu và trường tồn như thế giới tự nhiên. Bởi thế, việc đặt con người vào trong không gian vũ trụ, trời đất của Phạm Ngũ Lão đã trở thành một lẽ hiển nhiên, tất yếu:

Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu
(Cầm ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu,)

Câu thơ ngắn gọn, chắc chắn, hàm súc, trang trọng và tự thân đã xác lập đầy đủ về dáng vóc của một con người, một công dân trước đất nước: cầm ngang (tư thế) – ngọn giáo (phương tiện, vũ khí) – gìn giữ (ý thức) – non sông (chủ quyền) – đã mấy thu (thời gian vô hạn). Ở đó, người ta đã thấy được hình bóng của một trang nam nhi hiên ngang trước đất trời. Không những vậy, người công dân thời đại ấy còn ý thức rất rõ về lịch sử trường chinh của những cuộc đấu tranh giữ nước. Hình ảnh cầm ngang ngọn giáo không chỉ là tư thế vững chãi của con người mà còn là sự xác định đúng đắn về tầm quan trọng của vũ khí trong cuộc đối đầu với kẻ thù xâm lược. Ở đó, người ta cảm nhận được ánh mắt cương nghị, bàn tay cầm chắc vũ khí, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi dã tâm xâm lược. Con người ấy dường như đã quá thấu hiểu những bài học phải trả bằng máu của cả dân tộc khi đấng minh quân chủ quan, có vũ khí chiến lược mà không biết cách bảo vệ để lại nỗi đau cho muôn đời sau. Và trang nam nhi thời đại nhà Trần ấy cũng thấu hiểu biết bao cái giá trị của chủ quyền non sông mà lớp lớp cha ông bao đời đã đấu tranh giành và giữ trong suốt chiều dài lịch sử. Dáng đứng kiên định trước không gian bao la không gợi ấn tượng về sự nhỏ bé, mà trái lại, đó là dấu ấn của một công dân với tư thế của người làm chủ quốc gia, dân tộc. Những chiến công hiển hách trong chiến thắng đạo quân đã từng dám thốt lên những tuyên bố đầy kiêu ngạo: Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đấy, đã tỏa bóng vầng hào quang xuống tư thế đầy kiêu hãnh của con người trong niềm lâng lâng tự hào của men say chiến thắng. Thời gian, không gian và cả hình ảnh con người đều mang tầm vóc vũ trụ. Đấng làm trai trong Tỏ lòng không xuất hiện giữa không gian mênh mông để lặng đếm thời gian trôi với những suy ngẫm, chiêm nghiệm của một bậc hiền triết. Họ quả thực là những tráng sĩ đang dàn hàng ngang gánh đất nước trên vai. Với những con người thời đại ấy, sự trôi chảy của thời gian đã trở thành một đại lượng hoàn toàn vô nghĩa. Trách nhiệm, ý thức bảo vệ, giữ gìn và hi sinh vì đất nước của những trang nam nhi thời đại nhà Trần, quả thực, luôn luôn nằm ở tư thế sẵn sàng, khởi đầu của thì hiện tại, không bao giờ có điểm kết thúc, điểm dừng lại và khái niệm về cái đã qua. Sự tập hợp của những đấng, bậc ấy cùng với những minh quân, những dũng tướng đức tài hội tụ, lẽ dĩ nhiên, sẽ tạo thành một đội quân với sức mạnh vô địch trước mọi thế lực ngoại bang:

Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
(Ba quân như hổ báo, khí thế hùng dũng nuốt trôi trâu.)

Hình ảnh so sánh đội quân thời đại nhà Trần mang trong mình sức mạnh như hổ báo không chỉ góp phần cụ thể hóa, vật chất hóa, hữu hình hóa dũng khí của những con người đã từng dám khắc lên ngực, lên bụng mình dòng chữ sát thát (giết giặc thát, giặc Nguyên Mông) như một lời thề dữ dội; mà ở đó, người đọc còn cảm nhận được ấn tượng về sức mạnh của những chúa tể nơi rừng già, những con người hiên ngang, kiêu hãnh trước dặm dài đất nước. Hiểu như vậy, mới thấy, phía bên kia, những thế lực ngoại bang đang rắp tâm nuôi dưỡng dã tâm tái xâm lược trở nên yếu ớt và vô nghĩa biết bao nhiêu. Và quả thực, sự đại bại của giặc Nguyên Mông, đạo quân đã từng làm cho biết bao nhiêu quốc gia từ Á sang Âu phải khiếp sợ, trong ba lần kéo quân sang xâm lược Đại Việt đã trở thành minh chứng hùng hồn cho sức mạnh vô địch của một tam quân với những con người dám lấy sinh mạng của mình ra để đảm bảo cho chiến thắng (người ta vẫn thấy âm vang đâu đây những lời tuyên bố đầy khảng khái: đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo hay nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chém đầu thần trước đã); những con người sẵn sàng chấp nhận cái chết để bảo toàn khí tiết trước quân thù (ta thà làm quỷ Nam còn hơn làm vương đất Bắc)! Trang nam nhi thời đại nhà Trần đã không ngủ quên trên vầng hào quang của chiến thắng mà ở họ có đủ sự tỉnh táo để tự tin; đủ bình tâm để tự hào; đủ mạnh mẽ để toát ra những khí chất khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ. Đó quả thực là những con người đã góp phần viết nên một trong những trang sử chói lọi nhất trong suốt dặm dài của những cuộc trường chinh giữ nước, thôi thúc chí làm trai và khát vọng của lớp lớp thế hệ cháu con …

2. … đến nỗi thẹn thùng của một bậc trượng phu …

Tư tưởng Nho giáo vốn coi trọng lễ nghĩa, ràng buộc con người trong những bổn phận mà cộng đồng quy ước và bắt buộc phải tuân theo. Bởi thế, một mặt Nho giáo cố gắng triệt tiêu con người bản thể, chỉ chú trọng con người cộng đồng, trách nhiệm; nhưng mặt khác, nó phát huy tận độ tài năng, bản lĩnh, khí phách của mỗi cá nhân. Vốn xuất thân từ tầng lớp bình dân, nhưng được hun đúc trong khí thiêng thời đại; được đặt nền móng từ những tố chất sẵn có cộng với con mắt xanh của một tài năng quân sự thiên tài, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão đã nhanh chóng trưởng thành, gánh lên vai mình chí lớn và khát vọng. Chàng trai trẻ làng Phù Ủng ấy không chỉ là một võ tướng mang trong mình sức mạnh phi thường, đó còn là con người ham học hỏi để làm giàu tri thức cho bản thân. Ông tích cực và hăm hở nhập thế, tự xác định trách nhiệm của một trang nam nhi trước đất trời:

Nam nhi vị liễu công danh trái,
(Thân nam nhi mà chưa trả xong nợ công danh,)

Trong khí thế hào hùng của thời đại; trong niềm tự hào cùng những chiến công hiển hách của dân tộc, khao khát lập công danh của Phạm Ngũ Lão trở nên hòa hợp đến kì lạ với hồn thiêng sông núi. Ở thời điểm đó, khái niệm công danh với đấng làm trai không gắn liền với chức tước, địa vị, tiền tài và danh vọng. Với chàng trai trấn Hưng Yên và hằng hà sa số những trang nam nhi thời đại nhà Trần ngày ấy, lập công danh đơn giản chỉ để xứng đáng với sứ mệnh lịch sử của một thời kì không dễ gì lặp lại đã đặt lên đôi vai của họ. Nợ công danh, nhưng thực chất đó là sự tự ý thức, sự tự nguyện về tinh thần trách nhiệm, về thái độ sống và cống hiến cho quốc gia, dân tộc. Còn gì cao quý và vinh quang hơn khi mỗi công dân đều thấy mình phải có nghĩa vụ góp sức bảo vệ và dựng xây đất nước. Món nợ ấy, bởi vậy, tự thân nó đã trở thành sự tôn vinh, trân trọng, đề cao con người, một món nợ mang trong mình tư tưởng nhân văn cao cả.  Đó là món nợ của một kẻ anh hùng sẵn sàng hóa thân cho hồn thiêng sông núi. Bởi vậy, nỗi thẹn thùng xuất hiện sau món nợ công danh ấy đã trở thành nỗi thẹn thùng của một đấng trượng phu:

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Thì luống thẹn thùng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu.)

Cái thẹn thùng của Phạm Ngũ Lão là cái nhún mình của một đấng trượng phu. Nhưng đó tuyệt nhiên không phải là nỗi tự ti về tài năng và nhân cách. Đó là nỗi thẹn thùng của một tính cách tự tin lớn; một thái độ nhập thế đầy hăm hở, tràn đầy nhiệt huyết dựng xây và bảo vệ đất nước. Trang nam nhi thời đại nhà Trần đã từng xung trận, đã từng lập nên những chiến công lẫy lừng khiến cho kẻ thù phải khiếp sợ, song, với tinh thần trách nhiệm, với niềm tin và sự tự ý thức về tài năng, nhân cách bản thân, Phạm Ngũ Lão tin rằng mình còn có thể làm được nhiều điều hơn thế. Điển tích về Vũ hầu Gia Cát Lượng, một danh tướng nhà Hán, xuất hiện không phải để lấn át chủ thể trữ tình của bài thơ. Trái lại, nó càng góp phần tôn vinh tư thế đường hoàng, tự tin của một đấng trượng phu trước đất trời, vũ trụ. Trang nam nhi thời đại nhà Trần nói chung, người thanh niên làng Phù Ủng nói riêng đang tràn đầy niềm tin rằng họ còn có thể làm được nhiều việc, lập được nhiều chiến công hiển hách hơn nữa cho đất nước, non sông. Cái tư thế cầm ngang ngọn giáo, sức mạnh nuốt trôi trâu, khát vọng lập công danh và nỗi thẹn thùng của một đấng trượng phu đã kết tụ lại để tạo thành bệ đỡ, trên đó hiên ngang một trang nam nhi thời đại nhà Trần đang viết tiếp bản hùng ca chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược. Đó quả thực là một hình ảnh kì vĩ, mang tầm vóc sử thi của một thời kì đặc biệt với những con người đặc biệt một đi không dễ gì quay trở lại hai lần trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Quả thật, hào khí thời đại nhà Trần đã đi suốt hành trang tâm thức người Việt trong những cuộc trường chinh giữ nước. Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão đã góp phần hoàn tất, hoàn thiện bức chân dung về khí phách, sức mạnh tinh thần và trách nhiệm công dân của trang nam nhi trong bầu khí quyển của hào khí Đông A chói lọi. Đó là một thời kì cả dân tộc hào hùng, sục sôi, rung chuyển:

Chân ngựa đá cũng lấm bùn trận mạc
Theo người đi giết giặc chống xâm lăng

Thái Văn Phú
Giáo viên trường THPT Quỳnh Lưu 2, Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An