Trước khi bước vào nghiệp phê bình, tôi chỉ đọc chơi, hay như ngày nay người ta thường nói, rong chơi trong sách. Ba bốn năm làm giáo viên Trường Văn hóa Quân đội Lạng Sơn, ngoài thú vui bát phố thì tôi chỉ có đọc sách. Tôi đọc triết học, khoa học, phân tâm học chỉ để thỏa mãn hiểu biết, một thứ “hiểu biết vị hiểu biết”. Sau này, khi đã làm nghề, những hiểu biết vô tư ấy đôi khi lại mách tôi một hướng tiếp cận như một thứ trực giác lí thuyết. Rồi sau đó, khi nghiên cứu để viết bài thì chỉ là đọc thực dụng, đọc để viết và viết để đọc, một quá trình xoắn luyến vào nhau. Cho đến nay (2014), tôi làm phê bình phân tâm học được 20 năm. Đây là một hành trình trải nghiệm, trải và nghiệm. Trải là sống với và sống bằng công việc của mình, một hành động luôn ở thời hiện tại, ở đây và bây giờ, còn nghiệm là sau sống, có một khoảng cách, một độ lùi để nghĩ về cái đã sống qua. Nhưng khoảng cách ấy nhiều khi là không đáng kể, nên trải và nghiệm gần như đồng thời, nhất là ở phân tâm học.

Như nhiều “đến” khác trong đời mình, tôi đến phân tâm học cũng hoàn toàn tình cờ. Năm ấy, đề tài luận án phó tiến sĩ của tôi, Sự phát triển của ý thức cá nhân giai đoạn 1932 – 1945 qua văn xuôi Tự lực văn đoàn, đã bảo vệ xong đề cương, nhưng khi trình lên Bộ duyệt thì bị gạt. Cô H., cử nhân vật lí học ở Ba Lan, phụ trách nhận hồ sơ ở Vụ Sau đại học, bảo: Đây là đề tài văn học không hợp mã số văn hóa. Tôi nói: “Văn xuôi Tự lực văn đoàn” chỉ là tư liệu khảo sát, còn đối tượng nghiên cứu là “ý thức cá nhân”, một phạm trù văn hóa học cơ mà. Nhưng ngay cả anh Tô Ngọc Thanh, Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật là cơ quan đào tạo, cũng không đánh chiếm nổi cái lô cốt này. Anh đành bảo: Thôi, Thúy tìm đề tài khác vậy! Sau nhiều trắng đêm tìm đề tài, tôi chợt nhớ đến một đêm trắng ở Bắc Hà, Lào Cai, sau một tối xòe/nhòe rượu, đã viết một mạch bài Tín ngưỡng phồn thực, nhìn từ góc độ văn hóa – lịch sử, trong đó có nhắc đến trường hợp thơ Hồ Xuân Hương. Một tia chớp xoẹt trong đầu: Sao mình không làm đề tài Lí giải cái dâm cái tục trong thơ Hồ Xuân Hương từ tín ngưỡng phồn thực? Tôi bật dậy vớ lấy bút. Trong khi viết đề cương, một trực giác khác lại giúp tôi nối được các biểu tượng phồn thực trong thơ nữ sĩ với thuyết cổ mẫu của C.Jung. Từ đấy tôi rút ra kinh nghiệm: 1) hãy tin vào sự mách bảo của trực giác, nhất là trực giác lí thuyết và 2) trong phê bình văn học, lí thuyết dù quan trọng đến đâu thì bao giờ cũng là cái đến sau tác phẩm, nhằm soi chiếu, diễn giải tác phẩm, chứ không phải lấy tác phẩm minh họa cho lí thuyết. Jung cũng là một nhà phân tâm học lớn như S.Freud, nhưng, ở Việt Nam, ông ít được biết đến hơn. Trước hết, vì sau vụ li khai Freud, bị thầy cấm dùng thuật ngữ phân tâm học, nên Jung phải dùng những từ khác ít quen thuộc hơn như tâm lí học phân tích hay tâm lí học các chiều sâu. Hơn nữa, quan niệm libido của Jung chủ yếu thuộc về phạm trù văn hóa (năng lượng sống chứ không chỉ là xung năng tính dục), nên người Việt chưa đủ thời gian để đi sâu. Tác phẩm của Jung chỉ mới có một cuốn được dịch là Thăm dò tiềm thức (Sài Gòn, 1968). Cuối cùng, không khí văn hóa – xã hội bấy giờ cũng không thuận cho truyền bá phân tâm học và phê bình phân tâm.

[…] Giải quyết vấn đề dâm tục trong thơ Hồ Xuân Hương bằng cách phá bỏ lối tư duy nhị nguyên, biện biệt của những người đi trước để tiến tới lối tư duy nhất nguyên của Lão Tử, tôi muốn chứng minh rằng thơ Hồ Xuân Hương vừa thanh vừa tục, vừa dâm tục vừa không dâm tục. Lối tư duy này, về sau, tôi mới biết là rất hiện đại, không phải theo nguyên lí loại trừ hoặc là… hoặc là… của vật lí học cổ điển, mà theo nguyên lí bổ sung vừa là… vừa là… của vật lí học hiện đại. Có điều lạ lùng là thứ tư duy cực kì hiện đại này lại rất phù hợp với tư duy cổ đại trên cơ sở đực/cái, âm/dương, trong đó có tín ngưỡng phồn thực. Bởi vậy, tôi đã tạo ra một hệ pháp để đưa thơ Hồ Xuân Hương về với tín ngưỡng phồn thực với tư cách là một hoài niệm: thơ Hồ Xuân Hương -> văn hóa dâm tục -> lễ hội phồn thực -> thờ cúng sinh thực khí -> tín ngưỡng phồn thực. Nhưng đây là đường dây lịch sử mà sự truyền thừa mang tính gián tiếp, hữu thức, còn một con đường khác mang tính trực tiếp, tức thời là vô thức tập thể tồn tại dưới hình thức các cổ mẫu. Các biểu tượng trong thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu là biểu tượng phồn thực. Tôi chia chúng thành hai loại: biểu tượng gốc và biểu tượng phái sinh. Các biểu tượng gốc ứng với các cổ mẫu, còn các biểu tượng phái sinh thì là sáng tạo riêng của cá nhân nhà thơ. Một nhà thơ lớn thì bao giờ cũng biết kế thừa vô thức tập thể (truyền thống), nhưng cũng biết chống lại vô thức tập thể để có sáng tạo cá nhân. Là biểu tượng phồn thực, nơi cái thiêng và cái tục xoắn luyến vào nhau thiêng là tục, tục là thiêng, nên ở các biểu tượng thơ Hồ Xuân Hương thanh và tục cũng xoắn luyến vào nhau thanh là tục, tục là thanh, không thể tách bóc được. Điều này khiến tôi đi đến kết luận: thực chất thơ Hồ Xuân Hương là tính lấp lửng hai mặt. Tôi viết luận án này, thú thực, chỉ trong hai tháng. (Tháng 8/1995 tôi mới nhận được quyết định cho làm luận án và tháng 11 thì hết hạn chế độ làm luận án đặc cách). Tôi viết như nhập đồng, cứ nửa tháng một chương dường như không kịp suy nghĩ gì cả. Bởi thế, sự “mạch lạc nội tại” nói trên chỉ là hậu nghiệm, là nhận thức muộn khi tôi chỉnh lại luận án để in thành sách Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực và đặc biệt sau nhiều năm trình bày chuyên đề này cho các học viên cao học. Hóa ra để hiểu được kĩ những gì mình viết ra cũng là một quá trình. Đặc biệt là ở những công trình viết như là sáng tác.

[…] Bút pháp của ham muốn là cuốn sách phê bình phân tâm học tiêu biểu của tôi. Ở đây tôi đã sử dụng rất nhiều lối vào: khám phá ẩn ngữ thơ Hoàng Cầm nhờ mặc cảm Oedipe qua các bài thơ nói về “mối tình Em – Chị”, tìm hiểu cái đẹp của sự tàn lụi trong thơ Bà Huyện Thanh Quan bằng bản năng chết, giải thích hiện tượng cùng lúc viết những bài thơ trái ngược nhau đến khốc liệt của Chế Lan Viên bằng sự rối loạn đa nhân cách, chứng minh tính chất lưỡng phân, không triệt để của thơ tình Xuân Diệu và toàn bộ sáng tác của ông bằng tình yêu đồng giới… Rồi còn lí thuyết cổ mẫu với Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực, lí thuyết phân thân (animas/animus và bóng âm) với Nguyễn Gia Thiều đối thoại với bóng. Như vậy, khác với trước 1945, phê bình phân tâm học chỉ có một lối: ẩn ức tình dục -> dồn nén -> giải tỏa/thăng hoa, phê bình phân tâm hôm nay đã có nhiều đường vào. Chính sự đa dạng này tạo nên tính thuyết phục của phê bình phân tâm học của tôi.

Tuy nhiên, trong phê bình văn học của tôi không bao giờ chỉ có một phương pháp phê bình, mà bao giờ cũng có nhiều phương pháp. Trong số nhiều đó thì bao giờ cũng có một phương pháp chủ đạo, còn các phương pháp khác đóng vai trò bổ trợ. Phương pháp nào là chủ đạo thì không phải hoàn toàn do đối tượng quy định theo kiểu đất thì dùng cuốc, đá thì dùng choòng, mà do người viết muốn giải quyết vấn đề nghệ thuật nào ở tác phẩm. Trong Bút pháp của ham muốn thì phân tâm học là chủ đạo. Nhưng nhờ các phương pháp bổ trợ khác như phong cách học, thi pháp học, cấu trúc – kí hiệu… mà sự phân tích văn bản của tôi mang đến hai hiệu quả: một là tạo ra những luận chứng quan trọng và khách quan cho các luận điểm phân tâm và hai là phát hiện ra những sáng tạo nghệ thuật từ cái nhìn phân tâm học, nên nhà phê bình không chỉ dừng lại ở tư cách nhà phân tâm nghiệp dư mà trở thành nhà phê bình nghệ thuật. Chỉ về sau này, tôi mới biết rằng đó là lối phê bình phân tâm học văn bản. Tôi đặc biệt tâm đắc với định đề của Lacan: “Vô thức được cấu trúc như một ngôn ngữ”. Tìm được vô thức văn bản, chủ yếu qua các cấu trúc ngôn ngữ, người phê bình không còn phải trông chờ vào tiểu sử ấu thời của tác giả mà không phải lúc nào cũng có, và có thì không phải lúc nào cũng đúng. Hơn nữa, từ đó, người ta có thể dùng phân tâm học để nghiên cứu các tác phẩm khuyết danh, hay cả cổ tích lẫn huyền thoại. Tuy nhiên, phân tâm học văn bản mà tôi theo đuổi là thứ phân tâm học được quan niệm: “Phân tâm học không phải một văn bản. Đó là một tiền văn bản. Nhà phân tâm học không phải chỉ lí giải một văn bản của vô thức đã có sẵn, anh ta vừa lí giải vừa sản sinh ra nó”. Chỉ có như vậy nhà phê bình mới chuyển được từ phân tích văn bản sang khoái lạc văn bản.

Sự khoái lạc này hẳn chủ yếu do sáng tạo văn bản mà ra. Còn “cơ sở pháp lí” của sáng tạo này là do quan niệm “du hành lí thuyết” của Edward W. Said, tác giả cuốn Đông phương học (Orientalism). Các lí thuyết từ quốc gia này du hành sang các quốc gia khác đều có sự biến đổi, không còn y nguyên. Điều này tạo ra sự sai lệch với lí thuyết gốc. Sự “lệch chuẩn” này là tiền đề của sáng tạo. Người phê bình không sợ mình không đúng với lí thuyết gốc, mà nên sợ rằng mình không để lại một kết quả thực tế nào từ lí thuyết đó. Sự sai lệch này, theo tôi, có ba lí do: 1) môi trường văn hóa và những định kiến tri thức của mình tất yếu sẽ làm “khúc xạ” lí thuyết, làm cho mình nhiều khi chỉ nhìn thấy cái gì mình muốn thấy (Dễ lòa yếm thắm trôn kim – Kiều); 2) khi áp dụng một lí thuyết nào đó vào một đối tượng cụ thể thì bao giờ cũng có một sự “kháng cự” của đối tượng đó, chính sự kháng cự này làm sai lệch lí thuyết; và 3) nhà nghiên cứu có cá tính mạnh, có óc tưởng tượng phong phú cũng không bao giờ chịu ngoan ngoãn khuôn mình vào lí thuyết để đánh mất mình. […] Tôi đã được chính Hoàng Cầm cảm ơn vì đã phát hiện ra cho ông mặc cảm Oedipe ở ông, điều mà từ thời thơ ấu nhà thơ đã cảm mà không thấy, thấy mà không biết. Sự chứng thực này làm cho tôi càng tin tưởng vào phân tâm học.

[…] Có thể nói nhờ đi cùng với “phong trào” nghiên cứu, truyền bá, dịch thuật phân tâm học ở trong nước mà tôi đã làm bộ sách “Phân tâm học và…”. Cho đến năm 2009, bộ sách đã cho ra đời được bốn cuốn: Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, Phân tâm học và văn hóa tâm linh, Phân tâm học và tình yêu, Phân tâm học và tính cách dân tộc. Tôi rất muốn làm thêm một cuốn nữa là phân tâm học và lửa, hoặc phân tâm học và nữ quyền luận cho đủ năm cuốn vì tôi bao giờ cũng thích số lẻ. Hơn nữa, ở Việt Nam, phân tâm học cấu trúc/giải cấu trúc của Lacan còn chưa được giới thiệu nhiều, đặc biệt chưa có các công trình sử dụng lí thuyết của ông vào nghiên cứu các hiện tượng văn hóa, văn học. Nhưng vì quá bận nên tôi chưa/không thực hiện được.

Nghiên cứu văn học, văn hóa Việt Nam hoặc nghiên cứu gì cũng vậy, hiểu biết lí thuyết là vô cùng quan trọng. Lí thuyết cho ta không chỉ một cái nhìn mới, một cái nhìn khác, sâu sắc hơn, mà còn cả phương pháp nữa. Mà phương pháp thì, như F. de Saussure nói, đẻ ra đối tượng. Tôi nhớ mình đã đọc Baudelaire, Balzac, Aragon do các nhà nghiên cứu Nga – Xôviết và Việt Nam viết và đã có một hình dung vững chắc, ổn định về họ. Vậy mà khi ở Nhà xuất bản Ngoại văn đọc những cuốn sách người Pháp viết về họ thì tôi lại thấy một Baudelaire, Balzac, Aragon khác, mà người này ít dính dáng đến người kia. Hóa ra, đó là sự khác nhau của phương pháp như là một thể hiện cụ thể của lí thuyết. Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu các lí thuyết nước ngoài để làm mới nghiên cứu văn chương Việt Nam.

Từ những đọc, dịch, ghi chép, viết tóm tắt, nhận xét, so sánh… một cách hết sức vất vả của mình, tôi bỗng nghĩ đến việc làm sao cho độc giả khỏi phải đi lại “con đường lên núi Trọc” của mình. Tôi sưu tầm thêm các bản dịch của người khác, hệ thống hóa tư liệu thành các chủ đề, như giới thiệu các phương pháp nghiên cứu văn học (Sự đỏng đảnh của phương pháp), các phương pháp nghiên cứu văn hóa (Theo vết chân những người khổng lồ), về trào lưu hình thức Nga (Nghệ thuật như là thủ pháp), về phân tâm học (Phân tâm học và…). May nhờ có “nhà – xuất – bản – nhà” là Songthuy bookstore/Trung tâm sách Thủy và anh bạn thân Nguyễn Tất Hòa ở Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin nên việc in ấn và phát hành đều suôn sẻ.

Tuy nhiên, một hiệu quả mà tôi không ngờ tới là sách bán rất chạy, có cuốn tái bản đến hai ba lần. Điều này không nói lên sách của tôi tốt, mà chỉ chứng tỏ rằng, sau một thời kì dài tiền lí thuyết, hoặc chỉ có lí thuyết tiền – hiện đại, bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu các lí thuyết hiện đại, như phân tâm học của Jung hay Lacan, cấu trúc luận, kí hiệu học, hoặc các lí thuyết hậu hiện đại như giải cấu trúc luận, mĩ học tiếp nhận, thông diễn học, nữ quyền luận… Có một ý tưởng mà tôi muốn gửi gắm vào những công trình giới thiệu này là văn học Việt Nam dù có đặc thù đến đâu thì trước sau gì vẫn phải đi trên con đường mà thế giới đã/đang đi, khác chăng chỉ ở cách đi. Từ đó đi đến thức nhận: Ta là ai và ta đang ở đâu trên hành trình của thế giới? Vì thế, nếu chủ động đi cùng thế giới thì sẽ tiếp nhận được tinh hoa, còn nếu để thế giới kéo theo một cách bị động thì sẽ bị dập vùi bởi những làn sóng nhồi đuôi tàu và khoản học phí phải trả là không hề nhỏ.

Ngày nay, sau 15 năm (năm 1999 tôi in cuốn sách biên soạn đầu tiên của mình), công việc giới thiệu lí thuyết của tôi đã đi những bước dài. Có người chê những cuốn sách tôi viết là đơn giản, không có hệ thống, rằng tôi không phải là chuyên gia lí luận văn học phương Tây nên không đủ tư cách làm điều này. Có thể ý kiến của họ cũng có cái đúng, nhưng trong lúc nhiều “nhà” không làm hoặc mải làm việc khác thì cũng nên để cho người khác làm việc này. Hơn nữa, mỗi cuốn sách, đặc biệt là loại sách giới thiệu và truyền bá, đều có thời của nó. Tuổi vị thành niên này càng nhanh chóng trôi qua bao nhiêu thì càng chứng tỏ sự mau chóng trưởng thành của việc tiếp nhận và giới thiệu lí thuyết bấy nhiêu. Bởi vậy, tôi mong muốn sách của mình nhanh chóng bị bạn đọc vượt qua.

[…] Trong cuộc đời làm phê bình phân tâm học của mình, ngoài việc góp phần hình thành một lớp độc giả cho/của phân tâm học, “công trình” mà tôi đắc ý nhất là có được một vài bạn – vong – niên. Tôi rất thích thứ chênh – lệch – bạn – bè này, bởi đây là một bổ sung cho nhau tuyệt vời, một hòa chứ không đồng. Bản thân tôi cũng đã được trải nghiệm thứ tình bạn này với các anh Đỗ Đức Hiểu, anh Kiến Giang, anh Lê Đạt… Nay tôi lại muốn được có nó, dù rằng giờ đây có sự đổi vai. […] Tôi thích chơi với các bạn trẻ như Nguyễn Mạnh Tiến, Cao Việt Dũng, Trần Ngọc Hiếu, Mai Anh Tuấn… và cảm thấy an tâm nếu mình còn chơi được/được chơi với những người chỉ mới sinh ra ở thập niên 80 thế kỉ trước. Trong xã hội kinh nghiệm, hoặc xã hội toàn trị, tuổi tác, hoặc địa vị, càng cao thì càng giàu tri thức hoặc quyền lực. Nhưng trong xã hội hiện đại, với sự thay đổi nhanh chóng của tri thức (tư tưởng học thuật, khoa học, công nghệ) thì tuổi tác là một trở ngại cho việc tiếp thu cái mới, cái khác. Đây lại là ưu thế của tuổi trẻ. Nhất là lứa tuổi mang tính hệ hình. Tôi cho rằng, họ, những chàng trai 8x ấy, là những người mở đầu cho một thế hệ đứt đoạn trong đời sống xã hội và tư tưởng học thuật Việt Nam. Tuy hơn họ đến gần bốn chục tuổi, nhưng tôi thuộc về họ. Thẩm quyền phán xét tôi, vì thế, chỉ thuộc về họ.

Trải nghiệm phân tâm học với tôi cũng là một trải nghiệm công cụ. Bởi với một nhà phê bình, lí thuyết chỉ là công cụ. Nhưng, phân tâm học là loại công cụ đặc biệt, có khả năng làm thay đổi thế giới và bản thân. Như bánh xe, như động cơ hơi nước, như thuyết tương đối… là những công cụ đã làm thay đổi con người với tư cách là kẻ sử dụng công cụ. Phân tâm học là một khoa – học – chủ – quan. Nhà phân tâm học trước sau gì rồi cũng phải tự phân tâm bản thân mình, vừa là để lấy mình hiểu người, vừa là để lấy người hiểu mình. Bởi vậy, đối với họ, vô thức không phải là một văn bản viết sẵn, mà là một văn bản chờ nhà phân tâm học đến bổ sung và viết tiếp. Coi mình là một văn bản, ít nhiều do mình sáng tạo nên, tôi cảm thấy mình được tự do khỏi những gì có sẵn và, do đó, có tự do để sáng tạo tiếp

Hà Nội, 4/2014

Đỗ Lai Thúy

—–

(*) Trích tham luận tại Hội thảo khoa học “Phân tâm học với văn học” do Trường Đại học Khoa học Huế tổ chức tháng 10/2014. Bài viết được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), đề tài mã số VII1.2-2012.03.

Xem thêm: Đỗ Lai Thúy và Phê bình Phân tâm học – Lã Nguyên