Tiên hiệp là một thể loại truyện bùng nổ ở Trung Quốc từ năm 2003, bắt nguồn từ tác phẩm “Tru tiên” của nhà văn Tiêu Đỉnh. Tác phẩm này lúc đầu đăng dài kỳ trên mạng, sau đó vì sức hấp dẫn của nó nên đã được trả 1 triệu nhân dân tệ để xuất bản và tác giả Tiêu Đỉnh ngay lập tức trở thành người nổi tiếng. Sau thành công của “Tru tiên”, đã xuất hiện một loạt tác giả viết truyện tiên hiệp, tạo thành một làn sóng mới trong văn học Trung Quốc. Nếu kiếm hiệp là những tác phẩm viết về những con người có võ công, đặt trong bối cảnh giới giang hồ; ngôn tình là những câu chuyện về tình yêu, đam mỹ là những câu chuyện về tình yêu đồng tính luyến ái nam, bách hợp là những câu chuyện về đồng tính luyến ái nữ, thì tiên hiệp lại thu hút người đọc bằng những yếu tố kỳ ảo của nó, viết về những con người bình thường tu tiên nhằm đạt đến sự trường sinh bất tử. Thế giới nhân vật của tiên hiệp thường là con người, thần tiên, ma quỷ.

Nếu trong kiếm hiệp con người tu luyện võ công, nội lực, thì ở tiên hiệp có thể nói là sự tưởng tượng nối tiếp của kiếm hiệp, các nhân vật tu luyện những tâm pháp cao hơn, sử dụng linh khí (như linh lực, tiên lực, thần lực, ma pháp). Trong tiên hiệp đôi khi cũng đan xen yếu tố ngôn tình, đam mỹ, bách hợp, có yếu tố tình yêu trong câu chuyện song không phải là yếu tố chính.

Tiên hiệp tuy là một trào lưu mới, song nguồn gốc của nó đã có từ lâu đời trong lịch sử Trung Quốc với những tác phẩm mang yếu tố hoang đường, kỳ ảo như “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, “Phong thần diễn nghĩa” của Hứa Trọng Lâm, “Tế Công truyện diễn nghĩa” của Quách Tiểu Đình… Truyền thống viết truyện hoang đường, kỳ ảo là một truyền thống xuyên suốt trong lịch sử văn học Trung Quốc. Do vậy tiên hiệp chỉ là bước phát triển mới của dòng truyện truyền thống này. Cộng thêm truyền thống của Đạo giáo và sâu xa hơn là “Tam giáo đồng lưu” cũng là nguồn cảm hứng cho những câu chuyện tiên hiệp phát triển.

Sức thu hút của tiên hiệp có lẽ nằm ở chính yếu tố hoang đường, kỳ ảo của chúng. Ở đó các nhân vật là con người bình thường, trải qua quá trình tu tiên khó khăn, có thể đạt đến sự trường sinh bất tử, đi mây về gió, bay lên chín tầng trời, đi từ tinh cầu này sang tinh cầu khác. Trong tiên hiệp cũng đặc biệt không thiếu những câu chuyện đánh nhau bằng cách đấu phép thuật. Ngoài ra đọc tiên hiệp, độc giả cũng có thêm rất nhiều kiến thức về văn hóa phương Đông, phương Tây, về các tôn giáo như Nho, Phật, Đạo. Trong tiên hiệp, cũng có những kiến thức về hóa học như chuyện luyện đan dược, vật lý như bước vào một không gian gia tốc thời gian nhiều ngàn lần, chẳng hạn như bước vào một không gian mà một ngày trong đó bằng một ngàn năm ở hạ giới.

Truyện tiên hiệp thỏa mãn rất cao yếu tố giải trí của độc giả, kèm theo những kiến thức rộng rãi như vậy, cho nên người đọc đặc biệt thích truyện tiên hiệp và thường đã đọc thì không dứt ra được.

Cách in từng kỳ trên mạng đã tạo nên sức hấp dẫn của truyện tiên hiệp, tương tự như cách in nhiều kỳ feuilleton của kiếm hiệp ngày trước trên các báo. Do xuất bản từng kỳ trên mạng nên người đọc phải nạp tiền vào tài khoản trên mạng mới đọc được. Đồng thời qua những comment, người đọc cũng có sự ảnh hưởng nhất định đến đường hướng phát triển của câu chuyện. Cách đăng nhiều kỳ theo từng chương hồi cũng là bắt nguồn từ truyền thống tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, trong đó mỗi chương lại là một nút thắt lại, để chương sau mở ra, nên càng thu hút người đọc trên mạng.

Bộ tiên hiệp dài nhất là “Phàm nhân tu tiên” của Vong Ngữ với độ dài 2445 chương. Bản thân tôi đọc truyện này mất 3 tháng ròng rã. Tuy nhiên đây mới chỉ là phần 1, tác giả còn hứa hẹn sẽ viết tiếp phần 2 và phần 3. Truyện “Đế Bá” của tác giả Yếm Bút Tiêu Sinh có độ dài 4758 chương và tác giả vẫn đang viết tiếp. Nhưng kỷ lục là bộ “Phế vật nghịch thiên tiểu thư” của tác giả Tô Tiểu Noãn đã có độ dài 10680 chương và vẫn còn đang viết tiếp. Ngoài ra không có bộ tiên hiệp nào ngắn cả. Trung bình mỗi truyện tiên hiệp có độ dài một ngàn chương. Một đặc trưng của tiên hiệp là tính chất dài kỳ của nó, miêu tả quá trình từ một con người phàm nhân tu thành tiên, sau đó tu thành thần.

Có thể kể ra top 10 những truyện tiên hiệp hay nhất đã được các công dân mạng xếp hạng.
1. “Phàm nhân tu tiên”của Vong Ngữ
2. “Tiên nghịch” của Nhĩ Căn
3. “Bách luyện thành tiên” của Huyền Vũ
4. “Tinh thần biến” của Ngã Cật Tây Hồng Thị
5. “Thế giới tu chân” của Phương Tưởng
6. “Thần mộ” của Ngô Biển Quân
7. “Phi thăng chi hậu” của Hoàng Phủ Kỳ
8. “Tạp đồ” của Phương Tưởng
9. “Bàn Long” của Ngã Cật Tây Hồng Thị
10. “Tru tiên” của Tiêu Đỉnh

Đặc trưng của thể loại tiên hiệp chính là chất hoang đường, kỳ ảo và giàu trí tưởng tượng của nó. Trong đó nhân vật chính thường vượt qua muôn ngàn khó khăn trên con đường tu thành tiên hay thành thần. Ngoài ra trong truyện tiên hiệp thường đan xen những yếu tố tình cảm lãng mạn, nhân vật chính có thể đa thê hay có một mối tình khắc cốt ghi tâm với một nhân vật nữ, tạo sự hấp dẫn đối với người đọc. Ngoài ra trong truyện tiên hiệp còn có những cuộc săn tìm những bí mật kinh thiên động địa, những trận đánh nhau (đấu phép thuật) ly kỳ. Và đặc biệt truyện tiên hiệp nào cũng có kết thúc có hậu, nhân vật chính thành công trên con đường tu tiên, làm thỏa mãn thị hiếu của độc giả.

Yếu tố giải trí chính là yếu tố hàng đầu mà giới trẻ tìm được khi đọc truyện tiên hiệp. Ngoài ra trong truyện tiên hiệp còn có rất nhiều yếu tố của tôn giáo, của văn hóa Phương Đông, Phương Tây (Phương Tây như những câu chuyện về rồng hay ma pháp sư) nói chung và Trung Quốc nói riêng. Giới trẻ đến với tiên hiệp là đến với thế giới của sự hấp dẫn toát ra từ những hành động của các nhân vật, những chi tiết, tình tiết, kết cấu của tác phẩm, những kiến thức về văn hóa, tôn giáo. Giới trẻ cũng tìm thấy nhiều điều ở truyện tiên hiệp, đó là tinh thần vượt khó của nhân vật chính, những khung cảnh ly kỳ, giúp độc giả trẻ thỏa mãn trí tưởng tượng. Điều này cũng có phần giống với truyện kiếm hiệp, khi tiên hiệp thỏa mãn đòi hỏi của giới trẻ về những yếu tố ly kỳ, mới lạ, éo le.

Tất nhiên một hiện tượng văn học phát triển rầm rộ như tiên hiệp bao giờ cũng có hai mặt của nó. Khía cạnh tích cực của truyện tiên hiệp là yếu tố giải trí và độc giả có thể học hỏi được những kiến thức thú vị của tác phẩm. Song một thế giới có quá nhiều điều hoang tưởng, kỳ ảo tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người đọc. Trong văn học có khái niệm “tầm đón nhận” của độc giả. Trong đó độc giả được hiểu như là có sự tiếp nhận tác phẩm từ ngưỡng của chính mình. Ngưỡng ở đây là trình độ văn hóa có sẵn, kiến thức nền tàng, giới tính, lứa tuổi, hoàn cảnh cá nhân… Do vậy với người đọc chưa được trang bị một “tầm đón nhận” phù hợp, tất yếu những tác phẩm tiên hiệp sẽ tạo những hiệu ứng tâm lý xấu, như quá chìm đắm vào những điều không có thật, hoang tưởng. Do tính chất chương hồi của tiên hiệp, người đọc thường say sưa đọc, theo dõi nên cũng mất nhiều thời gian, có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Từ kinh nghiệm của bản thân tôi cho thấy, đã đọc tiên hiệp là không dứt ra được. Mặt khác một số truyện tiên hiệp có xu hướng đề cao tinh thần Đại Hán, coi Trung Quốc là trung tâm và coi thường những dân tộc khác. Đây cũng là điều chưa được của tiên hiệp và sẽ làm ảnh hưởng đến tâm lý người đọc.

Hiện nay ở Việt Nam có nhà xuất bản Văn hóa thông tin và nhà xuất bản Đà Nẵng đã dịch và cho in một số bộ tiên hiệp nổi tiếng như “Tru tiên”, “Phàm nhân tu tiên”, “Bàn Long”, “Thần mộ”, song chủ yếu vẫn là do người đọc Việt Nam tự dịch và đưa lên mạng. Có một số trang web chuyên đăng truyện tiên hiệp như truyenfull.vn, sstruyen.com, webtruyen.com, truyendich.com, goctruyen.com v.v…
Ở Việt Nam cũng có một số tác giả học tập viết truyện tiên hiệp đăng trên mạng, song chưa gây được tiếng vang và chưa thành công. Thành công nhất có lẽ phải kể đến tác giả Tuấn Nguyên Hoài Đức với tác phẩm “Huyền thoại nhị thần” do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ in.

Hà Thanh Vân