Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng nhận xét: “Một bài thơ hay là một bài thơ có sức gợi”. Và không chỉ gợi ra hình ảnh, cảm xúc trên mặt chữ, sức gọi đó còn phải gắn với những khát khao cháy bỏng trong cuộc sống con người.
Văn học không thể đi mãi trên mây, con người cũng không thể lúc nào cũng nghển cổ lên để mà hướng về một thứ đẹp đẽ tráng lệ nhưng không hề có thực. Nói một cách đơn giản thì là, văn học không thể xa rời cuộc sống.
Bởi vậy, trong tư tưởng của nhiều văn nhân, thi sĩ và độc giả cấp tiến, sự trần trụi của xác thịt cũng chỉ là một câu chuyện bình thường. Và thế nên, họ xé toạc cái ranh giới nằm giữa giáo điều cũ kĩ và cánh cửa khuê phòng vẫn còn luôn khép chặt.
Nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt. Chúng ta không thể vạch thẳng cái riêng tư ra phơi bày cho thiên hạ, như cánh cửa khuê phòng đã mở rồi, nhưng lại không thể sồng sộc đến tận giường ngủ và vén rèm nhòm vào được. Vậy thì sỗ sàng quá.
Thế nên mới có sự ra đời của “đố tục giảng thanh”. Xét về góc độ đời sống, đó là dục vọng không thể chối cãi của con người. Còn xét về góc độ văn hoá, đó có thể coi là một trong những ảnh hưởng sâu đậm của tín ngưỡng phồn thực lên văn học Việt Nam.
Nhắc đến trường phái thơ gắn liền với phong cách “đố tục giảng thanh”, thì không thể không nhắc đến bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương. Mặc dù vẫn luôn có hai luồng tranh cãi về tính thanh và tính tục trong thơ của Hồ Xuân Hương, nhưng có một điều chúng ta không thể phủ nhận được, đó là biệt tài tạo nghĩa của bà.
Xem thêm: Hồ Xuân Hương – Huyền thoại và sự thực
Hồ Xuân Hương là một điển hình độc nhất vô nhị. Không thiếu thi nhân học theo cách bà làm thơ, nhưng lại chỉ học lấy tầng nghĩa “tục”, từ đó tạo nên những câu thơ không thể đọc nổi (!)
Mấy ai được như Hồ Xuân Hương? Chính bà cũng đã từng ngạo nghễ mà rằng: “Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ / Lại đây chị dạy lối làm thơ”.
Trong nghệ thuật, đề tài không phải thứ quyết định tính thanh và tục của tác phẩm. Yếu tố đảm nhận vai trò ấy là ngôn từ. Trong “Mười ngày”, Giovanni Boccaccio miêu tả bao nhiêu cảnh vợ chồng chăn gối? Ấy vậy mà, không ai chễm chệ tặng cho văn của ông một chữ “tục”.
Mà nói về ngôn từ, thì chẳng ngoa khi cho rằng Hồ Xuân Hương là một bậc thầy về ngôn từ. Cách nói nước đôi của bà vẫn giữ được cái duyên dáng của văn học truyền thống Việt Nam, nhưng lại vượt xa ra cái khuôn khổ kín cổng cao tường thời phong kiến.
Tại sao lại như vậy?
Một là, Hồ Xuân Hương đã khéo léo đặt câu chữ vào một không gian kín đáo: phòng khuê.
Trần Đình Sử trong Thi pháp Văn học Việt Nam Trung đại chỉ ra: “Dù nói đến chuyện gì, miêu tả cái gì, chỉ khi đặt vào buồng khuê thì chúng mới toát ra ánh sáng và ý nghĩa đặc thù của nó. Nếu đặt chúng vào không gian khác thì cái nghĩa hàm ẩn thứ hai sẽ mất đi”. Ông cũng cho rằng, “không kể những bài như “Tự tình 1”, “Dệt cửi” gợi ra chốn buồng khuê mà những bài như “Thiếu nữ ngủ ngày”, “Tranh tố nữ”, “Giếng nước”, “Đá ông chồng bà chồng” và cả những phong cảnh đèo, hang, động, kẽm, quán,… đều gợi nên không gian buồng khuê khổng lồ.”
Nguyễn Tuân trong bài “Băm sáu cái nõn nường Xuân Hương” cũng viết: “Thế giới quan, nhân sinh quan của Xuân Hương là một nhỡn quan nõn nường, bất cứ cái gì, bất kể lúc nào và ở đâu, vẫn vang ngân lên chỉ nõn nường”.
Hai là, câu chữ của Hồ Xuân Hương lúc nào cũng mang màu sắc quyết liệt, mạnh mẽ và tính gợi tả cao. Ngôn ngữ trong thơ bà là một con đường rộng mở. Nó không có biển báo quy định độc giả phải đi lối nào, rẽ lối nào, mà nó hoàn toàn tự do, hoàn toàn thông thoáng.
Hồ Xuân Hương luôn dùng từ ngữ mang tính liên tưởng cao, và lúc nào cũng có thể hiểu theo nghĩa này hoặc nghĩa kia. Như thế, hình ảnh trong thơ bà mới trở nên thú vị. Nào những “thân em vừa trắng lại vừa tròn”, “bày đặt vì ai khéo khéo vòm / nứt ra một lỗ hỏm hòm hom”. “chành ra ba góc da còn thiếu / khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”,…, có thể khiến độc giả đỏ mặt, có thể khiến kẻ diễn ngâm không dám đọc to, nhưng nghĩ kĩ xem, ai bảo câu từ này toàn là tục tĩu? Rõ ràng chữ nào cũng là tả thực!
Từ ngữ trong thơ Hồ Xuân Hương vô cùng bén nhọn. Chúng đánh thẳng vào tâm lý người đọc, khiến họ phải giật mình vì sao mà táo bạo quá: “xiên ngang, đâm, đóng cọc, mấp máy, bóc yếm”, rồi thì “trắng phau phau, đỏ lòm lom, đầm đìa, xù xì,…”, xong lại “nhô, nảy, nứt, chen, xọc, dòm, lách, cọ, sờ, mó, phô, xỏ,…”. Những từ ngữ này đã cột chặt người đọc vào một thế giới khác, thế giới của xác thịt, thế giới trong tầng ẩn dụ của lớp nghĩa thứ hai. Những từ ngữ sắc ngọt này cũng góp phần thể hiện nên một Hồ Xuân Hương có cá tính mạnh, tư tưởng vượt lễ giáo thông thường, hay nói kiểu dân dã, là có vài phần “đanh đá”.
Hồ Xuân Hương nắm trong tay một hệ thống các từ láy, nói lái, chơi chữ, từ tượng thanh, khẩu ngữ, tiếng chửi: “đỏ lòm lom, trơ hoen hoẻn, năng năng nhắc, thích thích mau”, “tỉ tì ti”, “hu hơ”, “lõm bõm”, “nổi nênh”, “lai láng”, “tấp tênh”, “tí con con”, “chém cha”, “cha kiếp”, và đặc biệt là “lộn lèo”, “đá đeo”, “đẽo đá”, “đếm lại đeo”, “đá nơi đeo”, “suông không đấm”. Nào có nhà thơ trung đại nào “dám dùng” những từ ngữ này! Chỉ có Hồ Xuân Hương, mà cũng chỉ có Xuân Hương mới làm cho chúng trở nên không vô nghĩa, sống sượng và cợt nhả.
Đáng chú ý hơn nữa là từ ngữ tự xưng trong thơ của nữ thi sĩ: “tôi”, “chị”, “em”, và xưng tên. Tiếng tự xưng của Xuân Hương không chỉ cá nhân hoá tác phẩm, mà phần nào còn khiến cho câu chữ trở nên đằm thắm, thiết tha. Thơ của bà dễ khiến người ta liên tưởng đến một cái huých vai ẩn ý, một ánh mắt lúng liếng, một nụ cười đưa tình, một bước chân đon đả đi sau tiếng ngâm nga uyển chuyển, nhưng vẫn đủ duyên dáng để không trở nên dung tục, đủ mạnh mẽ để không trở nên yếu đuối.
Và cũng chẳng thể nói Hồ Xuân Hương đi ngược lại truyền thống. Thơ bà có một tinh thần phục hưng rất sâu đậm – tinh thần phục hưng tín ngưỡng phồn thực trong dân gian. Trong thời đại mà tư tưởng khắc dục được Nho giáo đề cao, Hồ Xuân Hương đã làm sống lại cả một truyền thống văn hoá phồn thực hùng hậu.
Theo tác giả Lại Nguyên Ân, không khó để nhận ra, “lối nói lái, nói lỡm hay “đố tục giảng thanh” của văn hoá dân gian người Việt lẫn lối ám chỉ ở thơ Hồ Xuân Hương đều có một “ngữ pháp” chung là “dịch” tất cả mọi thứ sang ý nghĩa tính dục, ý nghĩa vật chất, xác thịt”. Đó không chỉ là khát khao về xác thịt, mà còn là cái khát khao được giải toả bị kiềm nén dưới gọng kìm của lề thói phong kiến hà khắc.
Friedrich Engels trong khi nhận xét về thơ của tác giả Đức Georges Weerth có viết: “Cái làm cho Georges Weerth trở thành một bậc thầy, cái mà khiến cho ông vượt Heine, cái mà trong văn học Đức ông chỉ thua Goethe, đó là sự biểu hiện của một dục vọng thể xác lành mạnh và khỏe khoắn”. Dục vọng thể xác mà Hồ Xuân Hương thể hiện ra trong sáng tác của bà cũng vậy – “lành mạnh và khoẻ khoắn”.
Thế thì, vấn đề còn lại chỉ là độc giả có thấu được toàn bộ ý tưởng mà bà chúa thơ Nôm muốn truyền tải hay không, và nếu hiểu được, thì họ có chấp nhận được lối nói ỡm ờ ấy hay không?
Lý Thanh Quân
Xem thêm: Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực – Qua thơ để hiểu về tâm thức dân tộc
Tài liệu tham khảo:
1. Biệt tài tạo nghĩa (Thơ nôm Hồ Xuân Hương) – Lương Sỹ Hiệp.
2. Tinh thần Phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương – Lại Nguyên Ân.
3. Ảnh hưởng của tín ngưỡng văn hóa phồn thực trong thơ Hồ Xuân Hương – Diễn đàn Vn.Kienthuc.