Nguyễn Dữ (阮 與), là một danh sĩ thời Lê sơ, thời nhà Mạc và là tác giả sách Truyền kỳ mạn lục, một tác phẩm truyền kỳ nổi tiếng tại Việt Nam

1. Tiểu sử

Nguyễn Dữ là người xã Đỗ Tùng, huyện Trường Tân nay là xã Phạm Kha, huyện Thanh Miện, Hải Dương. Ông là con trai cả Tiến sĩ Nguyễn Tường Phiêu. Chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất năm nào. Tương truyền ông là học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm và bạn học của Phùng Khắc Khoan, tức là vào khoảng thế kỷ 16. Tuy nhiên mối quan hệ giữa ba người (mà phần lớn từ nguồn dân gian lưu truyền trong nhiều thế kỷ nhưng thiếu chứng cứ lịch sử) ngày nay đang gặp phải sự bác bỏ của giới nghiên cứu văn học sử.

Lúc nhỏ Nguyễn Dữ chăm học, đọc rộng, nhớ nhiều, từng ôm ấp lý tưởng lấy văn chương nối nghiệp nhà. Sau khi đậu Hương tiến (tức Cử nhân), ông làm quan với nhà Mạc, rồi về với nhà Lê làm Tri huyện Thanh Tuyền (nay là Bình Xuyên, Vĩnh Phú); nhưng mới được một năm, vì bất mãn với thời cuộc, lấy cớ nuôi mẹ, xin về ở núi rừng Thanh Hóa. Từ đó trải mấy năm dư, chân không bước đến thị thành rồi mất tại Thanh Hóa.

2. Tác phẩm

Truyền kỳ mạn lục (chữ Hán: 傳 奇 漫 錄, nghĩa là Sao chép tản mạn những truyện lạ), là tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ. Đây là tác phẩm được Hà Thiện Hán viết lời tựa, Nguyễn Bỉnh Khiêm (thầy dạy tác giả) phủ chính, Nguyễn Thế Nghi, dịch ra chữ Nôm, và đã được Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (1702–?), đánh giá là một “thiên cổ kỳ bút”.

Ngay từ khi tác phẩm mới hoàn thành đã được đón nhận. Về sau, nhiều học giả tên tuổi như: Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích, Phan Huy Chú, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Trần Ích Nguyên (Đài Loan)… đều có ghi chép về Nguyễn Dữ và định giá tác phẩm này.

Nhiều bản dịch ra chữ quốc ngữ, trong đó bản dịch của Trúc Khê năm 1943 được coi như đặc sắc nhất.

Tác phẩm gồm 20 truyện, viết bằng chữ Hán, theo thể loại tản văn (văn xuôi), xen lẫn biền văn (văn có đối) và thơ ca, cuối mỗi truyện có lời bình của tác giả hoặc của một người có cùng quan điểm của tác giả. Hầu hết các truyện xảy ra ở đời Lý, đời Trần, đời Hồ hoặc đời Lê sơ từ Nghệ An trở ra Bắc.

Lấy tên sách là Truyền kỳ mạn lục, hình như Nguyễn Dữ muốn thể hiện thái độ khiêm tốn của một người chỉ ghi chép truyện cũ. Tuy nhiên, cũng theo Bùi Duy Tân, căn cứ vào tính chất của các truyện thì thấy Truyền kỳ mạn lục không phải là một công trình sưu tập như Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam vân lục… mà là một sáng tác văn học với ý nghĩa đầy đủ của từ này. Đó là một tập truyện phóng tác, đánh dấu bước phát triển quan trọng của thể loại tự sự hình tượng trong văn học chữ Hán.

20 truyện trong Truyền kỳ mạn lục bao gồm:

STT Tên truyện
Chương I
Câu chuyện ở đền Hạng Vương
Chương II Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu
Chương III Chuyện cây gạo
Chương IV Chuyện gã trà đồng giáng sinh
Chương V Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây
Chương VI Chuyện đối tụng ở Long cung
Chương VII Chuyện nghiệp oan của Đào Thị
Chương VIII Chuyện chức phán sự đền Tản Viên
Chương IX
Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên
Chương X Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi thiên tào
Chương XI Chuyện yêu quái ở Xương Giang
Chương XII Chuyện đối đáp của người tiều phu ở núi Na
Chương XIII Chuyện cái chùa hoang ở huyện Đông Triều
Chương XIV Chuyện nàng Thúy Tiêu
Chương XV Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang
Chương XVI Chuyện người con gái Nam Xương
Chương XVII Chuyện Lý tướng quân
Chương XVIII Chuyện Lệ Nương
Chương XIX Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa
Chương XX Chuyện tướng Dạ Xoa