“Nhưng chúng ta hãy thôi bình luận, nếu không chúng ta sẽ có nguy cơ quên rằng Hanold và Gradiva chỉ là những sáng tác của một tiểu thuyết gia”.

(S. Freud, câu cuối cùng của cuốn RDG)

Kết luận thế nào đây khi mà điều đó tương đương với đánh dấu sự dừng lại ở con đường đang theo đuổi, trên lối mòn nơi dường như ta vừa mới vượt qua được quãng đường chông gai? Người ta sẽ định vị chắc chắn hơn nữa trong vài năm hay vài thập kỷ tới. Về tầm quan trọng, về tiếng vang của vấn đề được gợi nhắc thì độ dài của danh mục tài liệu trong thư mục sẽ nói lên nhiều điều hơn là một bản tổng kết. Giờ đây, điều chúng tôi có thể thử làm, ấy là lùi lại một chút, đồng thời đặt lại đối tượng mô tả của chúng tôi vào bối cảnh đã được mở rộng.

Trước hết, cần nhớ lại rằng bức tranh toàn cảnh này đã chủ tâm chơi cái trò chơi phân tâm học và văn học, nâng chúng lên thành các định đề, trình bày chúng như những hiện tượng văn hóa có ranh giới xác định và có tính tự trị; những hiện tượng này mang giá trị không thể tranh cãi. Điều đó tương đương với nói rằng, về mặt tốt của chúng, chúng ta đã thực hiện một kiểu thể chế hóa lý thuyết mà sự cần thiết của việc thể chế hóa này làm xuất hiện trước chúng ta một giả thuyết về lao động.

Vậy là chúng ta đã khoanh phân tâm học lại. Sát với Freud và những người theo trường phái tân Freud nhất, chúng ta đã coi phân tâm học như sự nỗ lực theo hướng duy vật nhằm chỉnh sửa và khớp nối lại với nhau một lý thuyết về Vô thức, một lý thuyết về tính dục, một lý thuyết về chủ thể nói (và viết) thành tổng thể. Đó là một lựa chọn. Người ta biết rằng về việc đó còn có nhiều quan điểm khác nhau: Tâm lý học chiều sâu (Jung) khoét bỏ cái nhân ham muốn tính dục, còn ở bên sườn dốc khác, phân tích – tâm thần phân lập (schizo-analyse) (Deleuze và Guattari) tìm cách lấy đi cái hạt chủ thể. Vấn đề ở đây không phải về các “biến thể” của Phân tâm học, mà là về các quan niệm khác với thực tại vô thức. Chắc chắn có thể tiếp cận nghiên cứu văn học theo nhãn quan riêng của họ, chỉ cần điều đó được thực hiện trên các căn cứ rõ ràng, dưới cái tít không mang tính nước đôi. Câu hỏi về tính chính thống trở thành một vấn đề giả ngay khi người ta đặt ra các định nghĩa đồng thời viện dẫn các tên tuổi. Như vậy, phân tâm học chính là học thuyết của Freud và của những người ủng hộ các nguyên lý của ông, dựa vào ông. Những người “theo Freud” có thể lên án, khai trừ lẫn nhau. Các cuộc tranh luận và đôi khi các cuộc cãi vã của họ có dáng vẻ tích cực, phong phú. Tuy nhiên, họ không quan tâm tới những người xuất phát từ một ý tưởng khác về Vô thức, thuộc “siêu mẫu” hay “mẫu máy móc”; họ cũng chẳng để mình lẫn lộn với những người ấy.

Chúng tôi đã xác định giới hạn chặt chẽ học thuyết phân tâm học của mình, nhưng chúng tôi không hề thu hẹp khái niệm về văn học. Dù vậy, công việc thực hành của chúng tôi được ghi vào một hệ tư tưởng nhất định, đơn giản bởi vì công việc ấy tách riêng được một lĩnh vực ngôn ngữ, nói hoặc viết, ra khỏi khả năng chung về nói và viết, khả năng này vốn không thật “chung” như người ta tưởng. Chúng tôi làm ra vẻ có “thứ văn chương” hoàn toàn hiển nhiên và hoàn toàn cần thiết mang tính lịch sử, với cùng sự cần thiết và cùng sự hiển nhiên như môn địa lý hoặc môn giải phẫu người. Chẳng có gì kém được bảo đảm hơn, chúng tôi biết rõ điều đó. Vấn đề ở đây không chỉ là ám chỉ những hậu quả chính trị và những điều kiện kinh tế của một phép chữa trị bệnh tâm thần nào đó bằng phân tích ở xã hội chúng ta (xã hội phương Tây, thậm chí là xã hội Pháp). Mà vấn đề là gợi nhắc một lĩnh vực phản chiếu rộng, ở đó phương pháp phân tích ngữ nghĩa (sémanalyse) (Julia Kristeva) có thể là ngọn cờ để tập hợp. Đối tượng của lĩnh vực này là các “phương thức biểu thị ý nghĩa” chừng nào các phương thức ấy phản chiếu lại và cho phép xây dựng được một ngôn ngữ vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính xã hội, chừng nào các phương thức ấy biến đổi chủ – thể – và – lịch – sử cùng nhau. Cái sự phản chiếu lại kia nằm ở cấp độ hoàn toàn khác, nó phải nhờ đến Freud, đồng thời nhờ cả Marx và Saussure thì mới đọc được rành rẽ những ngôn từ của họ. Trong phạm vi nó có vẻ nhận thức lịch sử theo mẫu tấm gương lớn di động được (và qua lại lẫn nhau chăng?), thì nó sử dụng cái vô thức như một loại mô hình dựa trên sự tương đồng. Nghiên cứu ngôn ngữ như sự thực hành liên chủ thể, bằng cách biểu thị ý nghĩa và vận hành cùng danh nghĩa như tính hợp lý về kinh tế của tiền-lao động ở những mâu thuẫn bị che đậy mà “Xã hội” tự tu chỉnh trên đó (người bị bóc lột phải chăng [giống như] là người bị dồn nén?) và trình bày ngôn ngữ của cùng một trào lưu như là hiện tượng ở bên trong chủ thể, dù phải phá bỏ một quan niệm nào đó về “chủ thể”, đó chính là đưa lý luận của Freud vào một trạng huống lịch sử và vào một sự đổi phiên tri thức luận. Dù người ta có nghĩ gì đi nữa thì một dự án như vậy vẫn vượt xa hơn hẳn dự án của chúng tôi [84].

Điều này không có nghĩa là người ta không biết đến quyền năng của hệ tư tưởng, huống hồ là sức nặng của Lịch sử. Nhưng người ta quyết định làm việc ở phạm vi ít tham vọng hơn, trong hàng rào khoa học của một lĩnh vực mà ở đó chất lịch sử chỉ biểu lộ ra, chỉ hoạt động như là thứ chất nặng dằn tải trọng ngôn ngữ và thứ tài sản thừa kế của cái tượng trưng. Nguyên lý mà công việc chúng tôi dựa vào, đó là ngày nay tồn tại một lý thuyết sự hoạt động tâm thần có vẻ mổ xẻ được, đó là ngày nay tồn tại một tổng thể các thực hành viết vừa cổ xưa, vừa vẫn đang hiện hành, và người ta có thể lợi dụng nghiên cứu cái hiện hành dưới sự soi sáng của cái cổ xưa. Nếu như ở phía bên trong có một hình thức vô trùng, tiện lợi và tạm thời, thì ngoại trừ điều kiện thực hành, cần nhìn thấy ở đấy điều kiện về lý thuyết của cách đọc phân tâm học những văn bản văn học, bởi vì, mổ xẻ với đôi tay quá sạch tốt hơn là với đôi tay bẩn, hoặc như người ta nói, chẳng có đôi tay nào hết.

Cái Vô thức, đó là cái chúng ta bị cưỡng chế phải nhắc lại một quá khứ mà chúng ta không nhớ và phải xem như là ký ức cái sẽ không bao giờ còn được lặp lại dưới dạng ban đầu của nó. Nền Văn học, đó là tổng thể các bài viết được xếp đặt một cách rõ ràng dưới dấu hiệu của sự hư cấu (tách biệt với thuật và với giáo huấn). Chúng tái chế lại cái quá khứ ấy đang run rẩy bởi chân lý bí mật và chúng trực tiếp tìm thấy quá khứ ấy tuân theo quy luật của sự không hiểu biết của nó. Đọc tác phẩm hư cấu với cái nhìn của phân tâm học cho phép đồng thời vừa tặng cho văn bản một chiều kích khác, vừa quan sát được cách viết trong sự sinh thành và trong sự vận hành của nó. Hoạt động văn học thu được ở đó một chế độ bổ sung về nghĩa, và được thừa nhận có xu hướng lật đổ với tư cách công việc của Cái khác. Các cấu trúc phổ quát và tính cá biệt không thể xóa nhòa của con người chủ thể có lẽ từ đó được đánh giá đúng đắn hơn, do đó công bằng hơn.

Liệu có cần tìm kiếm khắp nơi những lý do vay mượn Freud chiếc kính kẹp mũi nổi tiếng của ông không? Điều chủ yếu phải chăng là nên cẩn thận lau chùi chiếc kính đó và đặt nó ngay ngắn lên mũi?

Đỗ Lai ThúyPhan Ngọc Hà dịch từ Psychanalyse et litérature PUF, Paris, 1978

***

Chú thích:

[84] Xem thêm cả quan điểm của Léo Bersani, Baudelaire và Freud, “Thi pháp học”, Seuil, 1981.

Xem thêm:

1. Phân tâm học và văn học: Đọc từ khi có phân tâm học
2. Phân tâm học và văn học: Đọc cùng Freud
3. Phân tâm học và văn học: Đọc cái vô thức
4. Phân tâm học và văn học: Đọc con người
5. Phân tâm học và văn học: Đọc một người
6. Phân tâm học và văn học: Đọc văn bản
7. Phân tâm học và văn học: Kết luận