Tao Đàn Đặt một truyện ngắn như truyện Chữ người tử tù bên cạnh những truyện ngắn như mấy truyện Những chiếc ấm đát, Hương cuội, Bố Ồ, Cô Dó,… người đọc hôm nay, ngỡ ngàng trước một Nguyễn Tuân vừa khác lạ vừa thân quen.

Đúng là có một Nguyễn Tuân tài hoa rất mực, một nét đậm nhất quán trong phong cách của nhà văn qua những tác phẩm – truyện ngắn và tuỳ bút – được sáng tác hầu như liên tục từ trước và sau Cách mạng Tháng Tám. Ở những truyện ngắn và tuỳ bút của ông, ngòi bút tài hoa đã làm người đọc vừa thích thú vừa ngạc nhiên và cuối cùng bí cuốn hút bởi những phát hiện tinh tế, kì thú, bởi những chữ dùng, câu văn, lời văn vừa gợi âm, gợi thanh, vừa gợi hình, gợi cảnh và gợi tình.

Xem thêm: Thầy Huấn Cao trong Chữ người tử tù đã cho viên quản ngục chữ gì?

Trong truyện Chữ người tử tù (Vang bóng một thời – tập truyện ngắn – đăng báo từ 1939, Tân Dân xuất bản 1940), cái thật trội hẳn lên.

Trước hết, đó là cái thật của những tấm lòng trọng nghĩa, trọng tài. Một Huấn Cao “nghĩa khí”, “ngoài cái tài viết chữ tốt, lại còn có tài bẻ khoá và vượt ngục”, một kẻ “đứng đầu bọn phản ngịch”, không biết sợ là gì, kể cả cái chết, cái con người sắt đá đó trong những ngày chờ tử hình ở một nhà ngục đã làm thức tỉnh thiên lương của những con người coi tù vốn dĩ thường là “ác quỷ” đối với tù nhân. Những người đó – viên quản ngục, thầy thơ lại…  – trọng cái tài của một kẻ phản nghịch, đã dám làm một việc mà nếu lộ ra thì khó bảo toàn được tính mạng.  Thật thiêng liêng và cảm động trước cái cảnh: “Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang đậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng, và thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực”.

Giữa họ – người tù, viên quản ngục và thầy thơ lại – không còn có sự phân cách. Tất cả say mê, cuốn hút bởi “những nét chữ vuông vắn tươi tắn” cứ hiện dần trên một bức lụa trắng qua bàn tay tài hoa của một người tử tù. Chao ôi, cảnh tượng đó là gì, nếu không phải là sức cuốn hút của cái đẹp, cái kì diệu của sự sáng tạo nghệ thuật – chữ viết ở đây đạt đến cái mức hoàn mĩ của nghệ thuật viết chữ. Đó là cái tài. Còn cái tâm. Nếu cái tài là hữu hạn thì cái tâm là vô hạn. Cái tâm của kẻ phản nghịch với một bộ máy cai trị đẩy những con người nghĩa khí nối tiếp nhau phản nghịch, cái tâm đó thật cao cả. Nó toả sáng, chói ngời trong chốn ngục tù đen tối. Nó thức tỉnh và giục giã – giục giã một cách “đĩnh đạc” mà lay động lòng người.:

“– Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chỗ ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn rõ ràng như thế. Thoi mực kiếm được ở đâu tốt và thơm lắm. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?… Ta bảo thực đấy, thầy Quản nên tìm về quê mà ở đã , rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.

Tính khuynh hướng của truyện khá rõ. Ngợi ca một Huấn Cao là ngợi ca một kẻ phản nghịch đối với chế độ cũ, ngợi ca một con người nghĩa khí và tài hoa. Con người đó chỉ sáng mai thôi đã bị tử hình rồi. Thật tiếc thương! Thật oan uổng! Ta chắc rằng khi viết thiên truyện này, Nguyễn Tuân không quay lưng với cuộc đời, mà trái lại có một cái gì đó thôi thúc ông cầm bút. Cái tấm lòng thực của ông đã hoà quyện trong cái tài hoa của một nghệ sĩ bậc thầy đã tạo dựng nên một thiên truyện vừa cổ kính vừa hiện đại, không chỉ thức tỉnh sự suy ngẫm mà còn chỉ ra con đường để giữ vững thiên lương. Ta nên hiểu rằng năm 1934 và năm 1940, cái ngột ngạt của xã hội Việt Nam dưới mấy tầng áp bức đang ngày một đè nặng, bóp nghẹt các tầng lớp nhân dân, trong đó có nhà văn như Nguyễn Tuân và bạn bè. Tôi nghĩ nhiều đến cái kết giàu ý nghĩa của thiên truyện:

“Ngục quản cảm động, vái tên tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẻ miệng làm cho nghẹn ngào: Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Truyện có tựa đề là Chữ người tử tù. Một tựa đề độc đáo và có sức gợi. Mở đầu thiên truyện đã nói ngay đến chữ của Huấn Cao mà cả “vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp”. Và tiếp sau đó là nỗi lòng của viên quản ngục. Một con người tuy làm nghề coi ngục mà“tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn xô bồ”. Phải là một con người có thiên lương, trọng nghĩa khí. Nhưng con người đó còn canh cánh bởi “có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ”. Toàn bộ câu chuyện là việc biệt đãi tù nhân, là sự nhún mình, để xin cho được “một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết”. Đó là sở nguyện của viên quản ngục. Một sở nguyện cũng thật hiếm trong một xã hội “hỗn loạn xô bồ”. Và lại càng hiếm hơn trong các giới của những kẻ coi ngục. “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc…”. “Ông trời nhiều khi hay chơi ác đem đày ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã”.

Hai tính cách, một Huấn Cao nghĩa khí tài hoa, một quản ngục thành tâm trọng nghĩa trọng tài. Và một Nguyễn Tuân tài hoa, không né tránh sự thật, trước hết là lòng mình, trong xã hội trước Cách mạng Tháng Tám, một xã hội mà cái thật và cái tài hoa chỉ là sự mang vạ vào thân như chính nhà văn đã nhiều nếm trải.

Nguyễn Ngọc Hoá

Xem thêm: Chữ người tử tù: Chiến thắng tuyệt đối của cái đẹp