Có thể xem thơ là dạng tiêu biểu nhất, dạng gốc của văn chương. Nếu văn học nghệ thuật là “quy luật riêng của tình cảm” thì điều đó được biểu hiện tập trung, sâu sắc nhất trong thơ. Heghen cho rằng: “Thơ bắt đầu từ cái ngày mà con người cảm thấy cần phải tự biểu hiện lòng mình”. Nhiều nhà nghiên cứu khẳng định bản chất của thơ là phản ánh cuộc sống; giàu liên tưởng và tưởng tượng (thơ là thế giới của những ước mơ); có chất trí tuệ, chất triết lý,… nhưng chất trữ tình mới là đặc trưng quan trọng nhất, kì diệu nhất của thơ ca.

Đặc trưng của thơ trữ tình là bộc lộ trực tiếp ý nghĩ và cảm xúc, trong đó tình cảm là mạch phát triển then chốt của tác phẩm. Nếu như ở tác phẩm tự sự, nhà văn xây dựng bức tranh về đời sống, trong đó, trung tâm là nhân vật, có đường đi và số phận riêng; tác giả kịch, bằng đối thoại và độc thoại, thể hiện tính cách và hành động của con người qua những mâu thuẫn, xung đột; thì ở tác phẩm trữ tình, thế giới nội tâm của con người, cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ được trình bày trực tiếp, làm thành nội dung chủ yếu của tác phẩm. Nếu thế mạnh của văn xuôi là chiều rộng, là sự phong phú và phức tạp, thì thế mạnh của thơ là chiều sâu, là chắt lọc, kết tinh. Tiếng nói của thơ là tiếng nói thấm đẫm tình cảm, tiếng nói xúc động, cô động, tinh tế.

Xem thêm: Tìm hiểu và phân tích hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học (phần 1)

Bài thơ Qua đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan, đâu phải đơn thuần là bức tranh Đèo Ngang lúc xế chiều, mà quan trọng hơn là tâm trạng, cảm xúc của bà khi bước chân tới đó. Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm gợi cảnh vật và con người vùng quê Kinh Bắc, nhưng chìm sâu trong những cảnh vật đó là dòng tình cảm cuồn cuộn tuôn trào của nhà thơ khi nghe tin giặc tán phá quê hương mình. Tây Tiến của Quang Dũng cũng có nhiều cảnh vật, nơi in dấu bước chân của đoàn quân Tây Tiến; nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là nỗi “nhớ chơi vơi”, bồi hồi, da diết của nhà thơ về những cuộc hành quân, về những kỉ niệm sống mãi cùng năm tháng của đoàn quân. Đất nước của Nguyễn Đình Thi gợi lên nhiều bức tranh về mùa thu, mùa thu Hà Nội năm xưa, mùa thu ở chiến khu Việt Bắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp; nhưng thực chất, đó cũng chỉ là cái phông, cái nền làm nổi bật lên tâm trạng, sự vận động tâm trạng của nhà thơ… Có thể nói, biểu hiện trực tiếp tâm trạng, cảm xúc, tâm tư và suy nghĩ của con người là cách phản ánh thế giới riêng của thơ trữ tình, đồng thời cũng là nội dung chủ yếu của tác phẩm thơ trữ tình.

Nghiên cứu, phân tích thơ trữ tình là phải hướng tới việc khám phá, phát hiện ra nội dung chủ yếu đó. Việc miêu tả các sự vật, chi tiết, hiện tượng đời sống khách quan có ý nghĩa quan trọng; nhưng xét đến cùng cũng không nằm ngoài mục đích hướng tới việc khơi dậy những tình cảm phong phú, sâu sắc, mới mẻ của nhà thơ. Người Trung Quốc xưa nhận xét chi lí rằng: “Thơ hay như người con gái đẹp, cái để làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh; chữ nghĩa là nhan sắc của thơ, tấm lòng mới là đức hạnh của thơ”.

Sức mạnh của thơ trữ tình không chỉ là chỗ bộc lộ một cách chân thành, tinh tế những rung động, những nỗi niềm riêng tư, chủ quan, thầm kín của con người mà còn có khả năng thâm nhập vào những chân lí phổ biến nhất của tồn tại con người, đạt được những khái quát nghệ thuật cao. Không phải không có lí khi nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, khái quát trữ tình thường có tầm vóc phổ quát nhất về tồn tại và nhân sinh, về sự sống và cái chết, về tình yêu và hạnh phúc, về lí tưởng và tương lai,…

Trong những bài thơ trữ tình, ta thường bắt gặp nhân vật trữ tình. Đó là nhân vật trực tiếp bộc lộ suy nghĩ và tình cảm, tâm trạng và cảm xúc trong tác phẩm. Không có khả năng hiện ra một cách cụ thể, có diện mạo, lời nói, hành động và tính cách như nhân vật trong tác phẩm tự sự; nhân vật trữ tình có khả năng bộ lộ mình qua giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm, cách nghĩ. Qua những trang thơ, ta có thể bắt gặp một tâm hồn, một tấm lòng. “Đọc thơ, ta như đọc những bản tự thuật tâm trạng. Ta hiểu hơn đời sống nội tâm của họ với những chi tiết về quê hương, về kỉ niệm cuộc sống, về cá tính sáng tạo”. Đọc Truyện Kiều, ta có thể hiểu được phần nào về cuộc đời, con người và tâm sự của Nguyễn Du, như Hoài Thanh nhận xét: “Không trải qua một cuộc đời nhiều chìm nổi trong một cuộc đời nhiều biến thiên, không có một tấm lòng thiết tha lớn với vận mệnh con người, không biết đứng về phía quần chúng mà nhìn mọi nỗi bất công, mọi điều oan khuất, không biết cùng với quần chúng băn khoăn, phẫn nộ, ước mơ, không thể sáng tạo ra một thế giới như vậy. Cũng cần nói thêm: không có một vốn học sâu rộng, vừa học trong sách vở vừa học trong cuộc đời, không có sẵn một sức tưởng tượng phi thường, một thứ năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, về vần điệu cũng không thể dựng nên một thế giới nghệ thuật như vậy”. Đọc Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Viên Ưng cho rằng: “Trong tập sách nhỏ gồm hơn một trăm ba mươi bài thơ cũ Trung Quốc không những chúng ta được thấy lại bộ mặt tàn khốc đen tối của nhà tù Trung Quốc mà chúng ta còn được gặp một tâm hồn vĩ đại của nhà ái quốc, một tâm hồn vĩ đại của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng”.

Giữa nhân vật trữ tình và nhà thơ có sự thống nhất, có mối quan hệ mật thiết. Thông thường, người ta vẫn xem nhân vật trữ tình như hình tượng nhà thơ trong thơ trữ tình. Ấy là một nhân vật được khái quát hoá như một tính cách văn học được xây dựng trên cơ sở lấy các sự kiện, sự thật của cuộc đời tác giả làm nguyên mẫu. Trong trường hợp này, nó như là hiện thân của tác giả, và cũng giống như quy luật chung của sáng tạo văn học, nó đồng thời cũng như một cái “tôi”, một nhân vật được nhà thơ sáng tạo ra. Vì vậy, không được đồng nhất giản đơn, máy móc hình tượng nhân vật trữ tình với cá nhân nhà thơ, với con người ngoài đời của tác giả.

Thơ trữ tình bao giờ cũng gợi lên những sự thật về đời sống tâm hồn, đời sống tinh thần của nhà thơ, của những cá nhân trong một tình huống trữ tình, một cảnh ngộ, một hoàn cảnh cụ thể, riêng biệt. Song, tình cảm riêng của nhà thơ chỉ thực sự có ý nghĩa khi thống nhất, tiêu biểu cho tình cảm chung, mang ý nghĩa khái quát. Sự thống nhất hài hoà giữa cái riêng biệt, cá thể và cái tiêu biểu, khái quát làm nên ý nghĩa của việc sáng tạo nhân vật trữ tình. Khi sáng tác thơ trữ tình, nhà thơ phải tự vượt lên những cảm xúc vụn vặt, những tâm trạng lạc lõng, phải có ý thức tự nâng mình lên thành người mang tâm trạng, cảm xúc, ý nghĩ, tiêu biểu cho một tầng lớp, một loại người, một thế hệ, một thời đại. Niềm vui sướng, tiếng reo vui khi bắt gặp lí tưởng cộng sản, vào cái giây phút được “Mặt trời chân lí chói qua tim” của Tố Hữu trong Từ ấy vừa rất riêng tư, lại vừa rất tình cảm chung cho cả một thế hệ, một lớp người tuổi trẻ buổi đầu sôi nổi đến với cách mạng. Nỗi nhớ con sông quê hương của Tế Hanh (trong Nhớ con sông quê hương) cũng thật tiêu biểu cho tình cảm nhớ thương quê hương, nhớ về một miền đất lúc bấy giờ còn nằm trong tay giặc, hoà quyện vào khát vọng thống nhất đất nước của con người Việt Nam thời đại chống Mĩ cứu nước. Dòng cảm xúc, tình cảm cuồn cuộn tuôn trào, vừa nuối tiếc, xót thương, vừa uất ức, căm giận của Hoàng Cầm khi nghe tin giặc tàn phá quê hương ông, rất cá thể nhưng cũng rất tiêu biểu cho tình cảm của nhiều người Việt Nam trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đã động đến tình yêu quê hương của mọi người Việt Nam. Nỗi nhớ nhưng thường trực mà da diết, rất riêng tư của Xuân Quỳnh trong bài thơ Sóng: “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức/ Dẫu xuôi về phương Bắc/ Dẫu ngược về phương Nam/ Nơi nào em cũng nghĩ/ Hướng về anh một phương” cũng thật tiêu biểu, điển hình, là tâm trạng chung của người phụ nữ thuỷ chung, son sắt, sống hết mình trong tình yêu.

Trong thơ trữ tình, nhà thơ cũng có thể hoá thân vào môt nhân vật nào đó, tạo thành nhân vật trữ tình nhập vai. Đó là các nhân vật cháu bé trong bài thơ Cháu bé trong nhà lao Tân Dương của Hồ Chí Minh, anh bộ đội trong bài thơ Bầm ơi của Tố Hữu; và cũng có thể là con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ, hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh. Ở đây, yếu tố nhập vai và yếu tố tự thuật tâm trạng có mối liên hệ mất thiết với nhau. Và dù bằng cách nào, trực tiếp bộc lộ tư tưởng tình cảm, cảm xúc qua nhân vật trữ tình hay nhân vật trữ tình nhập vai, cái tôi quan trọng của thơ trữ tình và phải chân thật, vừa phải thể hiện được cái riêng tư, chủ quan, vừa tiêu biểu cho tư tưởng và tình cảm chung, phản ánh được gương mặt tinh thần của xã hội và thời đại. Sóng Hồng cho rằng: “Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”. Belinxki khẳng định: “Bất cứ thi sĩ nào cũng không thể trở thành vĩ đại nếu chỉ do ở mình, và chỉ miêu tả mình – dù là miêu tả những nổi khổ đau của mình hay những hạnh phúc của mình. Bất cứ thi sĩ vĩ đại nào, sở dĩ họ vĩ đại là bởi vì những đau khổ và bất hạnh của họ bắt nguồn từ khoảng sâu thẳm của lịch sử xã hội; bởi vì họ là khí quan và đại biểu của xã hội, của thời đại và của nhân loại”. Nghiên cứu, phân tích tác phẩm thơ trữ tình không thể không chỉ ra cái riêng, nét đặc sắc của nhân vật trữ tình, qua đó, thấy được phẩm chất, cá tính của nhà thơ.

Xem thêm: Vai trò của chi tiết trong tác phẩm văn học

Phân tích thơ, không thể không chú ý đến thể thơ, vì mỗi thể, có cái ưu thế, đặc điểm riêng của nó, phù hợp với việc diễn tả một nội dung, tình cảm, tâm trạng nhất định.

Nghiên cứu, phân tích một tác phẩm thơ, cũng cần tìm ra cái tứ của bài thơ. Không phải bài thơ nào cũng có tứ thơ. Tứ thoe, ấy là cái ý lớn bao trùm và chi phối tất cả các yếu tố trong một bài thơ; là cái ý lớn lao bao quát toàn bài thơ, làm điểm tựa cho sự vận động của cả bài thơ. Phạm Tiến Duật viết: “Có thể định nghĩa, cố gắng nôm na nhưng không nôm na được, cố gắng giản dị nhưng không giản dị được: Tứ chính là ý được hình thức hoá (…). Tứ thơ không chỉ làm vững chãi bài thơ mà còn làm cho bài thơ bay bổng như thể cái dây diều giúp cho diều gặp gió”. Một bài thơ, có thể có nhiều ý, thậm chí có ý lớn, nhưng chưa chắc đã có tứ thơ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nam, ý lớn của bài thơ, chỉ có thể gọi là tứ, khi nó “không thể hiện một cách bộc trực trần trụi mà đã biến hoá trong những hình tượng nhiều tìm tòi sáng tạo mới lạ, gợi ra cho người đọc những liên tưởng thú vị, rộng rãi (…). Một bài thơ có tứ là một bài thơ có tìm tòi, sáng tạo về mặt thể hiện ý toàn bài một cách mới lạ, thú vị. Tứ thơ mang đặc điểm của cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ của thơ”. Cái thú vị của việc phân tích văn học là gặp được những bài thơ có tứ thơ sâu sắc và phát hiện được những tứ thơ độc đáo đó. Ở những bài thơ như thế, tứ thơ mang đặc điểm của cách nhìn, cách cảm, cách nghĩ, đồng thời là một phát hiện, sáng tạo độc đáo của nhà thơ. Khi phân tích những bài thơ có tứ, không nên sa vào những chi tiết quá vụn vặt mà cần phải trên cơ sở của cái tứ đó mà làm rõ cái sâu sắc, cái hay, cái đẹp của bài thơ. Người xưa nói, đọc thơ mà mổ xẻ hết từng câu trong bài là không hiểu gì về thơ. Thi tứ giống như một tiếng động dưới đáy hồ, nó kheiens cho mặt hồ nổi sóng.

Do chủ đề của bài thơ, do cá tính sáng tạo mà việc tạo cái tứ cho bài thơ, ở mỗi tác giả lại có những nét riêng khác nhau. Có những tác giả thường tạo tứ cho tác phẩm của mình bằng cách xây dựng một hình tượng bao trùm, xuyên suốt toàn bài. Ta đi tới của Tố Hữu, Người đi tìm hình của nước của Chế Lan Viên, Tràng giang, Các vị La Hán chùa Tây Phương của Huy Cận, Hơi ấm ổ rơm của Nguyễn Duy, Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân,… là những bài thơ như thế. Đọc Ta đi tới của Tố Hữu, người đọc thấy mở ra trước mắt mình liên tiếp những con đường, vừa cụ thể vừa mang ý nghĩa biểu tượng, với khí thế “Ta đi tới, không thể gì chia cắt – Mục Nam Quan đến bãi Cà Mau”, thể hiện ý chí, quyết tâm thống nhất đất nước của toàn dân tộc. Người đi tìm hình của nước (Chế Lan Viên) gây ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc hình tượng một con người đi trước thời gian, một bậc vĩ nhân đi tìm đường cứu nước, tìm một hình hài, một thể chế mới cho dân tộc: “Không phải hình một bài thơ đá tạc nên người…”, “Mà hình đất nước hoặc còn hoặc mất – Sắc vàng nghìn xưa, sắc đỏ tương lai – Thế đi đứng của toàn dân tộc – Một cách vinh hoa cho hai mươi lăm triệu con người”. Đọc Tràng giang (Huy Cận), ta bắt gặp một dòng sông vừa dài vừa rộng, “Mang mang thiên cổ sầu”, nhưng chảy từ một thời xa xôi nào đó. Trong cái cảnh thiên nhiên cao rộng, bát ngát, trong cái mênh mông hoang vắng của buổi chiều tà, dòng tràng giang là trung tâm của bức tranh thiên nhiên, như mang theo một nỗi buồn mênh mang bao trùm cả không gian và thời gian, như thấm cả vào linh hồn tạo vật. Người đọc có thể cảm nhận thấm thía trong thẳm sâu câu chữ là dòng tràng giang của tâm hồn nhà thơ với mênh mang nỗi sầu nhân thế, nỗi buồn cô đơn, cái tôi bơ vơ của một nhà thơ mới, và đằng sau đó là tình yêu thiết tha đất nước quê hương. Đọc Các vị La Hán chùa Tây Phương (Huy Cận), ta có cảm tưởng như bắt gặp một công trình nghệ thuật điêu khắc bằng ngôn ngữ thơ ca. Các pho tượng La Hán, mỗi pho tượng một cảnh ngộ, là hiện thân của những khổ đau quằn quại, cùng hội tụ về đây, làm nên “Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã”, phô bày những nỗi khổ đau chồng chất cùng cực bế tắc của các thế hệ cha ông trước kia, của những kiếp người nơi trần thế. Thế giới của những pho tượng đầy đau khổ ấy như quay cuồng trong một vũ điệu bi kịch đầy tuyệt vọng: “Mặt núi, mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau – Quay theo tám hướng hỏi trời sâu – Một câu hỏi lớn. Không lời đáp – Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”. Đó là hình ảnh của một nhân loại sục sôi tìm lối thoát, nhưng càng vật vã lại càng đau đớn, càng bất lực trong một thời kì lịch sử đen tối, chưa tìm ra lối thoát.

Có những tác giả lại tạo dựng tứ cho bài thơ của mình bằng cách, từ một cảm xúc chung, một ấn tượng chung, lấy đó là điểm xuất phát để dẫn dắt những dòng suy nghĩ, liên tưởng và tưởng tượng. Rồi từ những dòng suy nghĩ, liên tưởng, tưởng tượng đó những hình tượng nhỏ, những hình ảnh cứ lần lượt, liên tiếp xuất hiện. Tình sông núi của Trần Mai Minh, Giữa Tết trồng cây của Chế Lan Viên, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Ngọn đè đứng gác của Chính Hữu, Lửa đèn của Phạm Tiến Duật, Bếp lửa của Bằng Việt,… là những bài thơ tạo tứ theo cách đó. Từ một cảm nhận đầy ấn tượng về mùa thu nơi chiến khu Việt Bắc, thời hiện tại trong kháng chiến chống thực dân Pháp: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới”, dòng cảm xúc, liên tưởng về mùa thu trong Đất nước (Nguyễn Đình Thi): mùa thu năm xưa ở Hà Nội, “mùa thu nay” giữa núi đồi Việt Bắc, cứ liên tiếp hiện ra, với những hình ảnh cụ thể, đầy gợi cảm về một đất nước “từ máu lửa – Rũ bùn đứng dậy sáng loà”. Xuất phát từ một ấn tượng về hiện tượng thắp lửa, thắp đèn rồi lại tắt lửa, tắt đèn trong những năm tháng chiến tranh chống Mĩ, ở những “miền quê yên ả – Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá”, “Nơi tắt lửa đêm đêm khiến đất trời rộng quá”, Phạm Tiến Duật đã cấu tạo nên tứ thơ độc đáo cho bài thơ Lửa đèn, liên tưởng gợi ra liên tưởng, hình ảnh nối tiếp hình ảnh, trùng trùng điệp điệp. Những liên tưởng, những hình ảnh ấy tạo đà cho những suy tư, chiêm nghiệm về cuộc đời, ân tình mà sâu lắng:

Trên đất nước đêm đêm
Sáng những ngọn đèn
Mang lửa từ nghìn năm về trước
Lấy từ thuở hoang sơ,
Giữ qua đời này đời khác
Vùi trong tro trong trấu nhà ta
Ôi ngọn lửa đèn
Có nửa cuộc đời ta trong ấy!

Với cách tạo dựng tứ thơ xuất phát từ một ấn tượng chung ban đầu này, nhà thơ vừa có thể diễn tả những ấn tượng, những dòng cảm xúc, liên tưởng, vừa có thể bộc lộ những suy nghĩ, tăng cường chất chính luận, triết lí trong thơ. Tuy nhiên, việc phân chia thành loại tứ thiên về tạo hình, loại tứ thiên về dòng suy nghĩ liên tưởng cũng chỉ là tương đối. Mỗi thời đại, cách cảm xúc, cách suy nghĩ của con người cũng có sự đổi thay, vì thế cách tổ chức, cấu tạo các tứ thơ cũng luôn có sự biến đổi.

*

*               *

Phân tích thơ, cũng cần chú ý đến nhạc tính của bài thơ. Trong thơ, nhạc tính có vai trò rất quan trọng. Quan niệm: “Bài thơ – cái sự dùng dằng kéo dài này giữa âm thanh và ý nghĩa” của Valery được nhiều người tán đồng. Chế Lan Viên cho rằng, thơ “đi giữa ý và nhạc”. Xuân Diệu cũng từng phát biểu: “Tôi muốn sáp nhập thơ ca vào lĩnh vực của âm nhạc”. Sóng Hồng cũng quan niệm: “Thơ là một hình tháu nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm là lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lí trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng nghệ đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường”.

Xem thêm: Cụ thể hòa và trừu tượng hóa trong thơ

Những bài thơ hay thường có “nhạc tính bên trong”, ngân vang trong lòng người đọc. Nhớ rừng của Thế Lữ là một bài thơ đầy nhạc tính, âm điệu thật dồi dào, góp phần diễn tả tinh tế và sâu sắc tâm trạng con hổ bị nhốt ở trong vườn bách thú. Đoạn thơ thứ hai trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng: “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa… Theo dòng nước lũ hoa đong đưa” cũng có sự hoà hợp tuyệt vời giữa chất thơ và chất nhạc. Những câu thơ ngân vang như tiếng hát, như nhạc điệu cất lên tự tâm hồn ngây ngất, say mê của những người lính Tây Tiến. Xuân Diệu thật tinh tế khi cho rằng: đọc bài thơ Tây Tiến, ta có cảm tưởng như ngậm âm nhạc trong miệng. Chất nhạc cũng góp phần quan trọng tạo nên cái hay của Việt Bắc – một trong những bài thơ hay nhất trong sự sáng tác của Tố Hữu. Chất nhạc cùng với tình thơ tha thiết, chan chứa tình người đã làm cho bài thơ này trở thành một khúc hát ân tình thuỷ chung, nồng nàn, đằm thắm bậc nhất; và chính điều đó đã làm nên sức ngân vang sâu thẳm, lâu dài của thi phẩm.

Phân tích thơ, lẽ đương nhiên là phải đặc biệt chú ý đến hình ảnh, nhịp điệu, giọng điệu và ngôn ngữ của bài thơ. Nhịp điệu làm tăng thêm tính chất trữ tình của thơ. Maiacopxki khẳng định: “Nhịp điệu là năng lượng cơ bản của câu thơ”. Nhịp là sự lặp lại một cách đều đặn một đơn vị thời gian, một số âm tiết hoặc tiếng trong dòng thơ, câu thơ hoặc bài thơ. Thanh điệu (bằng, trắc), vần điệu (sự lặp lại âm nào đó) cũng là những yếu tố tạo nhịp, nhưng yếu tố tạo nhịp quan trọng nhất bài thơ là dòng thơ. Tiết tấu trong từng dòng thơ, từng câu thơ cũng có tác dụng tạo nhịp; nhưng nhịp cơ bản trong bài thơ là do dòng thơ tạo nên. Thường thì, cuối mỗi dòng thơ là một chỗ nghỉ hơi kéo dài, đánh dấu một nhịp; đồng thời cũng bắt đầu mỗi nhịp mới, và cứ thế cho đến hết bài thơ. Sự trở đi trở lại đều đặn, cũng như từng làn, từng đợt sóng, tác động đến người đọc một cách nhịp nhàng, liên tục, khiến cho họ như bị cuốn đi, rơi vào trạng thái đê mê. Người ta nói đến tính chất “ru người”, tạo chất “say” của nhịp thơ là vì vậy.

Những nhà thơ tài năng thường có ý thức tạo nhịp sao cho vừa linh hoạt, vừa phù hợp với nội dung cảm xúc của bài thơ. Đây là cách tạo nhịp thật độc đáo của Chế Lan Viên trong bài thơ Tập qua hàng:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ
trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây
cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm
cũng thêm màu trên cánh đang bay.

Nhịp điệu của bài thơ quả là có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện chức năng truyền cảm, diễn tả nội dung, tác động đến tình cảm và lí trí của người đọc. Cách ngắt nhịp trong mấy câu thơ sau của Thế Lữ cũng cso tác dụng không nhỏ trong việc gợi lên bước chân, tư thế oai phong của con hổ và cái thời oanh liệt:

Ta bước đi/ dõng dạc/ đường hoàng
Lượn tấm thân/ như sóng biển/ nhịp nhàng

(Nhớ rừng)

Đôi khi, cách trình bày, sắp xếp hình thế câu thơ, cũng có một ý nghĩa nào đó, đem đến khoái cảm thẩm mĩ cho người đọc. Cách bố trí những dòng thơ theo hình thế bậc thang trong những câu thơ sau cũng ít nhiều gợi lên một ấn tượng nào đó trong lòng người đọc:

Từ trời xanh
rơi
vài giọt tháp Chàm
(Văn Cao – Quy Nhơn 3)

Rơi
Như tiếng sỏi
trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ
còn xanh
Và đôi mắt em
Như hai giếng ngọc
(Văn Cao – Thời gian)

Hình thế câu thơ được sắp xếp theo kiểu bậc thang là một yếu tố quan trọng, cũng nói lên một điều gì đó. Câu thơ đầu nói về sự rơi, nên dòng thơ được ngắt rời ra, gợi lên một ấn tượng về thị gác. Cùng với câu thứ nhất, câu thứ hai và ba, cách xuống dòng như thế, kết hợp với ý nghĩa của từ ngữ, vừa gợi ra âm thanh của vật rơi, vừa khơi gợi ở người đọc ấn tượng và liên tưởng đến động hình rơi của những viên sỏi đang rơi, viên sau nối viên trước. Cách bố trí các dòng thơ như thế cũng quy định cách đọc tương ứng, phải ngắt hơi ở chỗ xuống dòng, tạo nên một khoảng lặng, một chỗ ngừng nghỉ với nhiều cảm xúc.

Cái hay của một bài thơ, một phần rất quan trọng, được thể hiện qua ngôn từ nghệ thuật. Nghiên cứu, phân tích thơ là phải chỉ ra được tài năng của nhà thơ trong việc tạo ra một thứ ngôn ngữ riêng, độc đáo, thể hiện cá tính sáng tạo của tác giả. Các nhà lí luận văn học đã chỉ ra rằng ngôn ngữ thơ là một thứ ngôn ngữ đặc biệt. Ngôn ngữ thơ khoogn chỉ nang tính hình tượng, gợi cảm và hàm súc như ngôn ngữ của tác phẩm tự sự và kịch, mà còn là thứ ngôn ngữ tràn đầy cảm xúc, giàu nhạc tính. Khác với ngôn ngữ văn xuôi, ngôn ngữ thơ không chỉ nhằm chức năng thông báo, miêu tả đối tượng mà còn có chức năng  truyền cảm trực tiếp, là thứ ngôn ngữ thấm đượm tình cảm, cảm xúc. “Ngôn ngữ thơ là một kiểu cấu tạo đặc biệt của ngôn ngữ văn học (…). Ngôn ngữ trong thơ là một ngôn ngữ cách điệu hoá cũng như bước chân trong điệu vũ so với bước đi thường”. Phan Ngọc cho rằng: Thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản. Nhờ cấu tạo ngôn ngữ một cách đặc biệt, thơ có thể nói được những điều tinh tế, sâu sắc, lắng đọng, kết tinh, có sức khêu gợi lớn. Đó chính là sự kì diệu của ngôn ngữ thơ ca.

Xem thêm: Sự gần gũi giữa thơ và truyện ngắn

Nghiên cứu và phân tích tác phẩm thơ trữ tình, cũng cần phải nắm bắt được giọng điệu của bài thơ. Đó là một trong những yêu cầu khó nhất đối với việc phân tích thơ. Cái hay, sức hấp dẫn của bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm – một kiệt tác, một bài thơ rất tiêu biểu cho phong trào Thơ mới – được bộ lộ rất rõ qua giọng điệu mà giọng điệu lại được bật ra ngay những dòng thơ mở đầu:

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Câu thơ mở đầu như một tiếng nói thầm của người đưa tiễn (câu thơ toàn thanh bằng), với hàng loạt những điệp từ và hai câu hỏi tu từ, đã tạo nên một giai điệu đặc biệt, một hơi thơ trầm hùng bi tráng, một giọng điệu vừa rắn rỏi, gân guốc vừa sâu lắng, thiết tha. Đây là giọng chính của bài thơ, tạo nên một môi trường liên kết các yếu tố của tác phẩm, làm bật nổi lên hình tượng li khách, một con người vừa mang chí lớn vừa có tình sâu, trong bối cảnh một cuộc chia li đầy lưu luyến, buồn tê tái.

Tây Tiến của Quang Dũng có sức lôi cuốn, hấp dẫn người đọc, ngay từ những dòng thơ đầu, bởi cái giọng điệu riêng, đặc sắc – bồi hồi thương nhớ:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Cái giọng bồi hồi nhớ thương da diết ấy đã tạo nên một âm hưởng chung, một không khí chung bao trùm cả bài thơ. Thế giới nghệ thuật của bài thơ Tây Tiến tưởng chừng như trôi trong nỗi nhớ, cả thiên nhiên và hình ảnh con người, cả hiện thực và mơ ước cũng chỉ có thể hiện ra qua cái giọng điệu nhớ thương bồi hồi đến nao lòng ấy. Giọng điệu nhớ thương cất lên ngay ở những câu thơ mở đầu: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”, khép lại đoạn thơ thứ nhất cũng bằng cái giọng điệu ấy: “Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, và nó vẫn cứ văng vẳng vang lên ở đoạn thơ thứ ba: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấ/ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/ Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”…

Nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến giọng điệu thơ Tố Hữu: giọng tâm tình ngọt ngào tha thiết. Đó là cái giọng “trời phú”, giọng điệu chủ yếu trong thơ Tố Hữu, đươc thừa hưởng một phần từ điệu tâm hồn của con người xứ Huế, được sinh thành và nuôi dưỡng từ khung cảnh thiên nhiên, đất trời và những câu ca, giọng hò tha thiết ngọt ngào của quê hương. Đó cũng là giọng điệu chủ yếu của bài thơ Việt Bắc, được cất lên ngay từ những dòng thơ mở đầu:

– Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Mấy dòng thơ mở đầu gợi ra một cảnh chia tay với tâm trạng bâng khuâng, bồn chồn, đầy lưu luyến của hai người đã từng gắn bó sâu nặng bền lâu. Rất mực nhạy cảm với hoàn cảnh đổi thay, người ở lại lên tiếng trước, gợi nhắc những kỉ niệm gắn bó, những cội nguồn tình nghĩa, bằng một giọng điệu tâm tình, ngọt ngào, đằm thắm. Đúng là giọng của những người yêu nhau, từng gắn bó sâu nặng, dài lâu, giờ đang trong cảnh phải chia tay, giã biệt. Nhưng hai câu sau: “Mình về mình có nhớ không/ Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?” không còn giới hạn trong tình yêu lứa đôi nam nữa nữa mà đã mở rộng ra, hướng tới tình cảm cội nguồn, gợi ân nghĩa, đạo lý truyền thống hàng ngàn đời của dân tộc. Hai câu hỏi, một câu gợi nhớ thời gian, một câu hướng tới không gian, vang lên một cách thiết tha, dồn dập như một niềm day dứt không nguôi, gợi liên tình nghĩa thuỷ chung, gắn bó sâu nặng với Việt Bắc – một thời cách mạng, một vùng cách mạng.

Những nhân tố nào đã tạo nên giọng điệu chủ yếu ấy nói trên của thơ Tố Hữu? Như trên đã nói, giọng điệu ấy là giọng “trời cho”, là do được thừa hưởng từ điệu tâm hồn của quê hương và con người xứ Huế, như chính Tố Hữu từng xác nhận: “Người ta nói thơ tôi có giọng hò, tiếng ca xứ Huế. Đúng vậy. Tôi rất thích ca nhạc quê hương tôi”. Giọng điệu ấy còn có cơ sở từ một quan niệm về thơ của ông: “Thơ là chuyện đồng điệu (…). Thơ là tiếng nói đồng ý, đồng tình, tiếng nói đồng chí”. Cái giọng “trời cho” ấy, cái giọng tâm tình, ngọt ngào, đằm thắm, bao trùm trong thế giới nghệ thuật thơ Tố Hữu, rất tiêu biểu cho hồn thơ, phong cách thơ Tố Hữu, đã trở thành ý thức nghệ thuật của nhà thơ. Chính Tố Hữu, trong câu chuyện với Miren Gansen – một nhà nghiên cứu văn học người Pháp – đã tâm sự rằng, ông “phải lòng” đất nước và nhân dân mình, nên đã nói về đất nước và nhân dân như nói với người đàn bà mình yêu. Lời bộc bạch này của Tố Hữu giúp ta hiểu vì sao, giọng điệu chủ yếu trong thơ Tố Hữu là giọng tâm tình, ngọt ngào, đằm thắm, là tiếng nói của tình cảm như là tiếng nói của tình yêu lứa đôi, nhưng lại là tình yêu đối với quê hương đất nước, đối với nhân dân, đối với cách mạng. Nỗi nhớ khắc khoải không nguôi, gắn với các địa danh đầy kỉ niệm. Không phải là nhớ người yêu, mà là nỗi nhớ những con người đã chở che cách mạng.

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương.
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.
Ta đi ta nhớ những ngày
Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Ở đây, tình yêu đã hoá thân thành tình nghĩa. Có thể nói, tác giả đã mượn giọng của đôi trai gái trong tình yêu lứa đôi, mượn giọng tình nhân nói với tình nhân, để nói lên tình sâu nghĩa nặng đối với nhân dân, đối với Việt Bắc. Việt Bắc là tiếng lồng, tiếng hát ân tình thuỷ chung, son sắt của những người kháng chiến, của cả dân tộc Việt Nam trong một thời điểm chuyển giao lịch sử đầy ý nghĩa.

Như vậy, ngôn ngữ và giọng điệu của tác phẩm thơ trữ tình có vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên giá trị tư tưởng và nghệ thuật của bài thơ. Nghiên cứu và phân tích tác phẩm thơ, không thể không phấn tích phương diện này của tác phẩm. Các nhà thơ phương Đông quan niệm: “Thi tại ngôn ngoại” (thơ ở ngoài lời). Nhà thơ Nga N. Nheecraxốp cho rằng: “Phép tắc cần theo một cách kiên trì là làm sao lời thơ chặt chẽ mà ý thơ mênh mông”. Lưu Trọng Lư viết: “Thơ là sự sống tập trung cao độ, là cái lõi của cuộc sống”. Phải đào, phải xới, phải chắt, phải lọc mới thành thơ được (…). Một câu thơ hay là một câu thơ có sức gợi. Nguyễn Du không cạn lời, tả tít mà gợi nhiều, chỉ hé ra một chút mà hiện lên cả một thế giới. Thi sĩ nhiều khi chỉ mở ra mà người đọc sẽ góp phần đóng lại”. Do ngôn ngữ thơ rất hàm xúc, cho nên “quá trình khám phá bài thơ phải công phu: đi từ lớp ngữ nghĩa, lớp hình ảnh, lớp âm thanh nhịp điệu để tìm hiểu hết nghĩa đen, nghĩa bóng… Có khi điều bài thơ gợi ra còn quan trọng hơn điều nói rõ. Chưa đọc kĩ ngôn ngữ thơ đã hăm hở phân tích nội dung là phạm sai lầm cơ bản”.

*

*             *

Mỗi bài thơ xuất sắc là một sáng tạo độc đáo của nhà thơ. Vì thế, phân tích thơ cần phải thật linh hoạt, lại cần phải tìm ra một cách tiếp cận riêng thích hợp với từng tác phẩm. Nhà thơ Chế Lan Viên cho rằng: “thơ có nhiều loại, nên giảng thơ có nhiều cách”. Cũng là thơ, nhưng trong những bài thơ tự sự, thơ hiện thực như Thạch hào lại, Tân hôn biệt của Đỗ Phủ, thật khó tìm thấy những từ ngữ, hình ảnh thể hiện trực tiếp cảm xúc, tình cảm của nhà thơ. Nhưng qua câu chuyện bắt lính ở Thạch Hào hay cảnh chia li của cặp vợ chồng mới cưới được kể qua lời thơ chân thật, giản dị, người đọc vẫn nhận ra tình cảm xót thương của Đỗ Phủ đối với những con người bất hạnh. Đúng là như nhà phê bình Hoài Thanh nhận xét: Đỗ phủ đã “không nói mối thương cảm của mình, trái với thói thường của các nhà văn Trung Hoa. Nhưng ông thương cảm thế nào ta cũng biết vì ông đã khiến  ta phải thương cảm như ông”. Đọc bài thơ Cháu bé trong nhà lao Tâm Dương (trong tập thơ Nhật kí trong tù) của Hồ Chí Minh, ta cũng không tìm thấy từ ngữ, hình ảnh nào thể hiện trực tiếp tình cảm của nhà thơ. Nhà thơ có vẻ như cứ thản nhiên ghi lại tiếng khóc và tình cảnh của đứa bé; vậy mà người đọc vẫn có thể nhận ra tình cảm xót thương của Bác đối với đứa trẻ, vì người cha trốn đi lính nên vừa mới được sáu tháng đã phải theo mẹ vào nhà lao với thái độ căm phẫn của Người đối với chế độ vô nhân đạo giam cầm cả đứa trẻ sơ sinh vô tội. Còn đối với những bài thơ trữ tình, người ta thường chú ý nhiều hơn tới cảm xúc, tâm trạng, cái tôi trữ tình của nhà thơ thể hiện qua hình ảnh, nhịp điệu thơ. Theo kinh nghiệm của Hoài Thanh, khi bình những bài thơ trữ tình, ông quan tâm nhiều nhất đến tâm hồn, tình cảm, trí tưởng tượng của nhà thơ. Ông nhận ra tâm trạng “buồn ảo não” của Huy Cận, thấy được nỗi “chán nản và gay gắt” của Chế Lan Viên và nắm bắt tinh tế những trạng thái “nông nàn tha thiết” cả khi vui lẫn khi buồn của Xuân Diệu.

Trần Đăng Suyền

Tham khảo thêm: Phương pháp tiếp cận và phân tích tác phẩm tự sự