Khác với tác phẩm trữ tình, hiện thực được tái hiện trong sự cảm nhận chủ quan về nó, qua những cảm xúc, tâm trạng, ý nghĩ của con người; tác phẩm tự sự phản ánh đời sống trong toàn bộ tính khách quan, qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một con người trần thuật nào đó. Trong Nghệ thuật thi ca, Arixtot nhận xét, thế giới của tác phẩm tự sự là thế giới tồn tại bên ngoài người trần thuật, không phụ thuộc vào tình cảm cũng như ý muốn của anh ta. Belinxki cũng cho rằng: “Thơ tự sự chủ yếu là thơ khách quan, bề ngoài cả trong quan hệ với chính nó, với nhà thơ (được hiểu là người trần thuật – Trần Đình Sử) và cả với người đọc… Ở đây không thấy nhà thơ; thế giới được xác định một cách lập thể, tự nó phát triển, và nhà thơ dường như chỉ là người trần thuật giản đơn những gì đã tự xảy ra”. Tác phẩm tự sự phản ánh hiện thực qua bức tranh của đời sống, trong không gian và thời gian, qua các sự kiện và biến cố, trong đó, trung tâm của bức tranh đó là con người với những số phận cụ thể. Nếu như tính chủ quan là nguyên tắc tái hiện và thuyết phục người đọc của tác phẩm trữ tình thì tính khách quan là nguyên tắc tái hiện đời sống và thuyết phục người đọc của tác phẩm tự sự. Trong tác phẩm tự sự, nhà văn cũng thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình, nhưng là thứ tư tưởng và tình cảm thâm nhập sâu sắc vào sự kiện và hành động của con người, sâu sắc tới mức giữa chúng, dường như không có sự phân biệt, tách biệt. Nhà văn kể và tả lại những gì xảy ra bên ngoài mình, làm cho người đọc có cảm giác là hiện được phản ánh trong tác phẩm là một thế giới tạo hình xác định, đang tồn tại và tự phát triển, chứ không phụ thuộc vào tình cảm và ý muốn chủ quan của nhà văn. Cùng với việc phản ánh thế giới khách quan bên ngoài, tác phẩm tự sự còn miêu tả thế giới bên trong của con người với những tâm trạng và cảm xúc, tư tưởng và tình cảm. Như vậy, tác phẩm tự sự có khả năng tái hiện toàn bộ thế giới, thể hiện mọi biểu hiện bên trọng và bên ngoài của con người, có khả năng phản ánh cuộc sống một cách bao quát rộng lớn, miêu tả con người trong nhiều quan hệ phức tạp giữ nó và môi trường, hoàn cảnh sống bao quanh. Chính phương thức phản ánh cuộc sống và con người qua các sự kiện, biến cố và hành vi của con người đã làm cho tác phẩm tự sự trở thành một câu chuyện về một người nào đó hay về một cái gì đó. Cho nên, tác phẩm tự sự bao giờ cũng có cốt truyện, và gắn liền với nó là một hệ thống nhân vật được khắc hoạ bằng những chi tiết nghệ thuật phong phú và đa dạng. Đó là hệ thống các chi tiết gắn với chất văn xuôi, giàu có và phong phú hơn tác phẩm trữ tình và kịch, bao gồm các chi tiết sự kiện và xung đột, chi tiết ngoại hình, nội tâm và tính cách, chi tiết nội thất, ngoại cảnh, phong tục, đời sống văn hoá, lịch sử và cả những chi tiết liên tưởng, tưởng tượng, hoang đường mà không nghệ thuật nào có thể tái hiện được. Trong tác phẩm tự sự, trần thuật có vai trò rất quan trọng, trở thành nhân tố tổ chức, tạo dựng nên thế giới nghệ thuật, đòi hỏi nhà văn phải sáng tạo ra hình tượng người trần thuật.
Gorki nhận xét: “Trong tiểu thuyết, trong truyện, những con người được tác giả thể hiện đều hành động với sự giúp đỡ của tác giả, tác giả luôn luôn ở bên cạnh họ, tác giả mách cho người đọc biết rõ cần phải hiểu nhân vật như thế nào, giải thích cho người đọc hiểu những ý nghĩ thầm kín, những động cơ bí ẩn của phía sau những hành động của các nhân vật được miêu tả, tô đậm thêm cho tâm trạng của họ bằng những đoạn mô tả thiên nhiên , trình bày hoàn cảnh, và nói chung là luôn luôn giật dây cho họ thực hiện những mục đích của mình, điều khiển một cách tự do và nhiều khi rất khéo léo nhưng lại rất võ đoán – mặc dù người đọc không nhận thấy những hành động, những lời lẽ, những việc làm, những mối tương quan của họ, luôn luôn tìm mọi cách để làm cho các nhân vật được rõ nét và có tính thuyết phục đến mức độ tối đa về phương diện nghệ thuật”.
*
* *
Khi phân tích các tác phẩm tự sự (truyện ngắn, tiểu thuyết…), thông thường, người ta chú ý đến tình tiết, cốt truyện, kết cấu, nhân vật và ngôn ngữ nghệ thuật. Nếu tác phẩm trữ tình phản ánh hiện thực trong sự cảm nhận chủ quan, thì tác phẩm tự sự lại tái hiện đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó. Phương thức phản ánh hiện thực qua các sự kiện, biến cố và hành vi của con người làm cho tác phẩm tự sự trở thành một câu chuyện về ai đó, phản ánh một điều gì đó đã, đang xảy ra, có quá trình diễn biến, có bắt đầu và có kết thúc. Vì thế, thông thường, tác phẩm tự sự nào cũng có cốt truyện, và cùng với nó là hệ thống nhân vật được khắc hoạ chi tiết, nhiều mặt hơn so với nhân vật trữ tình và kịch. Sự tồn tại của những chi tiết là một trong những đặc trưng cơ bản của tác phẩm tự sự. Trong tác phẩm tự sự, nhất là trong truyện ngắn và tiểu thuyết, cốt truyện được triển khai, nhân vật được khắc hoạ bằng hệ thống tình tiết, chi tiết nghệ thuật đa dạng, phong phú, bao gồm chi tiết sự kiện, chi tiết ngoại hình và nội tâm của nhân vật, chi tiết tính cách, chi tiết nội thất, chi tiết về môi trường và hoàn cảnh, chi tiết phong tục, văn hoá, lịch sử, đôi khi còn có cả chi tiết liên tưởng, tưởng tượng, hoang đường nữa. Phân tích truyện ngắn, tiểu thuyết là phải làm sống lại những chi tiết nghệ thuật có giá trị điển hình, sinh động và đầy ám ảnh.
Trong truyện, tình tiết, sự kiện quả là có vai trò quan trọng. Nhưng trung tâm của sự việc, của sự kiện, biến cố là con người, trung tâm của chi tiết, tình tiết là nhân vật. Văn học là nhân học. Đối tượng chủ yếu của văn học là con người với những hành động bên trong, những suy nghĩ, cảm xúc và hành động bên ngoài, những cử chỉ, hành động của nó. Nguyễn Đình Thi nhận định: “Vấn đề trung tâm của nghệ thuật viết tiểu thuyết là miêu tả những con người và tìm hiểu con đường đi của họ trong xã hội. Người viết tiểu thuyết nghĩ mỗi vấn đề đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là từ sự việc… Sự việc luôn quyện lấy con người, không thể tách con người ra khỏi sự việc, nhưng người viết tiểu thuyết luôn luôn nhìn sự việc qua con người và đứng về phía cuộc đời của con người mà xem xét đánh giá và miêu tả những sự việc trong xã hội (…). Người viết tiểu thuyết cần phải biết rất rõ các sự việc, song không phải hể nắm được sự việc, dựng lên được một cái khung sự việc là đã xây dựng được cốt truyện. Chỉ khi nào nhà vẫn tìm ra được ý nghĩa của sự việc đối với vận mệnh những con người và nhìn rõ được sự diễn biến của những con người tham gia vào sự việc ấy, thì bây giờ mới thực có cốt truyện để viết thành tiểu thuyết”. Nhân vật là trung tâm điểm của tác phẩm, là nơi tập trung thể hiện tư tưởng và tình cảm của tác giả. Nhân vật là hình tượng những con người đang sống và hành động, bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc trong một môi trường, hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Nhân vật gắn liền với tình tiết, chi tiết cụ thể; nếu tách nhân vật ra khỏi những tình tiết, chi tiết thì nó trở nên những con người chung chung, trừu tượng, mất hết sức sống. Ở đây, nhân vật chỉ có thể sống cuộc đời của nó qua những tình tiết, chi tiết. Vì thế, cần phải qua việc phân tích tình tiết, chi tiết để phân tích nhân vật. Thông thường, khi phân tích nhân vật, cần từ những chi tiết về ngoại hình và nội tâm, từ những chi tiết về ý nghĩ, cảm xúc, lời nói, cử chỉ, hành động và thái độ của nhân vật mà khái quát lên tính cách của nhân vật. Và từ mỗi nhân vật, cần nhận ra vấn đề mà nhà văn đặt ra trong tác phẩm. Về mặt phương pháp, phân tích nhân vật là phải đi từ cụ thể đến trừu tượng, từ riêng biệt đến khái quát.
Phân tích tác phẩm tự sự, cũng cần chỉ ra nét riêng, đặc sắc, cái ý vị trong ngôn ngữ người trần thuật. Ngôn ngữ người trần thuật chăng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện cái nhìn, giọng điệu và phong cách của tác giả.
Ngôn ngữ nghệ thuật bao giờ cũng hướng tới việc làm rõ đối tượng miêu tả, xây dựng hình tượng nghệ thuật, khơi gợi được sự sống và truyền đạt được cảm xúc của nhà văn. Đặc điểm nói trên và ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện rất rõ trong ngôn ngữ người kể chuyện. Trong tác phẩm tự sự, ngôn ngữ người kể chuyện có ý nghĩa to lớn, giữ vai trò quyết định đối với toàn bộ cấu trúc ngôn ngữ của tác phẩm. Trần Thanh Đam cho rằng: “Cái hay của lời kể trong truyện thường là chỗ tự nhiên, nhuần nhị, sinh động để truyền cảm. Một câu chuyện hay là câu chuyện tự nó sống qua lời kể, tuy có người kể nhưng xem ra dường như truyện kể về… Muốn vậy, lời kể thường xen với lời tả, tả cảnh, tả người, tả việc, tả tình”. Khác với sân khấu và điện ảnh kể chuyện bằng những hình ảnh trực quan; văn học là nghệ thuật của ngôn từ, nhà văn kể chuyện bằng ngôn từ. Vì thế, những sự kiện, cảnh vật và con người trong truyện, người đọc chỉ có thể tưởng tượng ra nhờ sự khêu gợi của lời kể. Cho nên, “Khi phân tích lời kể trong truyện cần chú trọng chỉ ra được sức mạnh gợi tả của ngôn ngữ, chỉ rõ các từ ngữ, câu văn, cách viết, lối kể của tác giả đã làm hiển hiện được cảnh, việc, người như thế nào, đồng thời làm xúc cảm người đọc như thế nào”. Nhờ thủ pháp chuyển điểm nhìn vào bên trong của nhân vật, miêu tả những sự kiện, con người, khung cảnh thiên nhiên… qua tâm trạng của nhân vật, mà những cảnh vật đó hiện lên man mác những ý và tình. Những nhà văn, những nghệ sĩ ngôn từ phải dùng ngôn từ nghệ thuật mà dựng lên những cảnh vật, những sự việc, những sự kiện đời sống, những con người với những tính cách riêng, và cả thế giới tinh thần bên trong chỉ có thể cảm thấy mà không nhìn thấy được. Trong những trường hợp như thế, lời kể không chỉ miêu tả được thế giới bên ngoài mà còn có khả năng thể hiện được thế giới bên trong, tinh tế và phong phú cùng với sự vận động biện chứng bên trong của tâm hồn nhân vật. Sự miêu tả tâm lí bên trong và quá trình vận động, phát triển của nó, không thể có loại hình nghệ thuật nào có sức mạnh bằng văn học. Cái làm nên sức sống, sự lan tỏa của lời văn nghệ thuật chính là nhờ những cảm giác và ấn tượng, những ý nghĩ và tình cảm mà nhà văn đã gửi gắm qua lời kể và truyền sang cho người đọc.
Người phân tích văn học phải cảm nhận và chỉ ra được cái hay, cái đẹp của ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm. Cái hay, cái đẹp của ngôn từ, của lời văn nghệ thuật thật đa dạng, phong phú, muôn màu, nghìn vẻ, tuỳ thuộc vào khuynh hướng văn học, phong cách tác giả và sự đa dạng của nội dung tác phẩm. Xét đến cùng, ngôn từ, lời văn nghệ thuật chỉ thực sự hay khi nó thể hiện sâu sắc cuộc sống và con người, có sự hoà hợp và thể hiện tốt nhất nội dung tư tưởng và thái độ, tình cảm của tác giả. Nó chỉ được coi là hay khi có được tính chất trong sáng, giản dị, sinh động và gợi cảm, chất chứa chất liệu đời sống và tình ý của con người.
*
* *
Khi phân tích truyện ngắn, không những cần chú ý đến cốt truyện, kết cấu, nhân vật mà còn phải tập trung khảo sát tình huống truyện và nghệ thuật trần thuật.
Đã có nhiều định nghĩa về truyện ngắn. Theo Tô Hoài, “truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc đời sống. Ở đây, có thể nói ngắn gọn, nói trực tiếp”. Nguyễn Kiên cho rằng: “Truyện ngắn thường chỉ phản ánh một khoảnh khắc, một mẩu nhỏ nào đó của cuộc sống. Nhưng cuộc sống không phải diễn ra trên một mặt phẳng, nên cái mẩu nhỏ đó vẫn là một khối – hơn nữa, một khối chuyển động”. Qua “một khúc”, “một mẩu nhỏ” đó, câu chuyện được tổ chức xung quanh một tình huống đặc biệt. Một truyện ngắn hay, theo Đỗ Chu, “có thể làm cho người ta cười lớn, hoặc ứa nước mắt. Sức chứa trong truyện có thể rất nhiều, sức nổ rất lớn”. Mỗi truyện ngắn, nói chung, là có một tình huống nào đấy. Nhà văn Nguyễn Kiên cho rằng: “Mỗi truyện ngắn chỉ chứa đựng một tình thế như thế nào đó đã xảy ra trong đời sống, nếu có hai tình thế trở lên, truyện ngắn sẽ bị phá vỡ”. Đối với truyện ngắn, cái quan trọng hàng đầu là tạo ra một tình huống nào đó, và qua tình huống đó, làm bật nổi một vấn đề, một tính cách hay tâm trạng. Cũng theo Nguyễn Kiên, “Truyện ngắn cũng có tính cách và số phận như truyện dài. Nhưng vì khuôn khổ của truyện ngắn bị hạn chế, nên không thể nói nhiều, nói đầy đủ như truyện dài. Do đó, điều quan trọng đối với truyện ngắn là phải lựa chọn cho được cái tình thế tự nó bộc lộ ra nét chủ yếu của tính cách và số phận, tự nó đặc trưng cho một hiện tượng xã hội”.
Tình huống truyện, ấy là sự kiện đặc biệt của đời sống được xây dựng theo lối lạ hoá. Đó chính là môi trường, hoàn cảnh để nhân vật chính xuất hiện và hành động, tạo nên mối quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác, qua đó, nhân vật bộc lộ rõ tâm trạng, tính cách hay thân phận của nó, góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng, chủ đề của tác phẩm. Nhà văn Nguyễn Minh Châu quan niệm, tình huống là “cái tình thế xảy ra chuyện”, là “một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống đậm đặc nhất, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất, một khoảnh khắc cuộc sống với một vài sự việc diễn biến sơ sài và cũng bình thường thôi (hoặc có thể dồn dập và không bình thường), nhưng bắt buộc con người ở vào một tình thế phải bộc lộ ra những phần tâm can nhất, cái phần ẩn náu sâu kín nhất, thậm chí có khi đó là cái khoảnh khắc chứa cả một đời người, một đời nhân loại”. “Tình thế truyện không cần đến 1 mâu thuẫn gay gắt như kịch, nhưng nó là cái cớ chắc chắn, hết sức cụ thể và mang tính riêng, ở đó cốt truyện và nhân vật nương tựa vào để thực hiện đắc lực tất cả ý định của tác giả, ví như một cây cọc vững chắc để cho cây bí leo lên mà ra hoa trái…”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng đánh giá rất cao vai trò của tình huống trong truyện ngắn. Ông viết: “Truyện ngắn dẫu sao cũng phải ngắn, do đó thủ thuật chủ yếu của truyện ngắn là thủ thuật điểm huyệt. Trên cơ thể con người cũng như trên cơ thể cuộc đời, có những huyệt điểm nào đó, có thể làm rung động tất cả. Truyện ngắn nhằm vào đó. Truyện ngắn điểm huyệt hiện thực bằng cách nắm bắt trúng những tình huống cho phép phơi bày cái chủ yếu nhưng lại bị che giấu trong muôn mặt cuộc sống hằng ngày. Nhìn chung mỗi truyện ngắn bao giờ cũng được xây dựng trên một tình huống, khai thác tình huống ấy”. Không ai phủ nhận vai trò của tình huống đối với nghệ thuật truyện ngắn. Nhưng cũng không nên quá đề cao, tuyệt đối hoá vai trò của tình huống truyện. Có những truyện ngắn hay, nhưng tình huống của truyện chưa hẳn đã là độc đáo, hấp dẫn.
Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, trong công trình Truyện ngắn – Những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, dựa vào phương thức loại hình, đã chia tình huống thành các kiểu: tình huống kịch, tình huống – tâm trạng và tình huống – tượng trưng. Cũng theo Bùi Việt Thắng, một số nhà nghiên cứu còn đưa ra khái niệm tình huống – thắt nút, tình huống – tương phản, tình huống – luận đề.
Trong thực tế, mỗi truyện ngắn hay thường xây dựng được một tình huống độc đáo. Nhưng căn cứ vào loại hình, nhiều nhà lí luận, nghiên cứu văn học cho rằng, nhìn chung truyện ngắn, có 3 loại tình huống: tình huống hành động, tình huống tâm trạng và tình huống nhận thức.
Tình huống hành động là kiểu tình huống, trong đó, những chi tiết, tình tiết đều hướng tới hành động có tính chất bước ngoặt của nhân vật chính. Đây là kiểu tình huống gắn liền với kiểu nhân vật hành động. Khi xây dựng nhân vật, nhà văn chủ yếu miêu tả hành động bên ngoài của nhân vật, ít chú ý đến nội tâm của nhân vật. Một truyện ngắn có tình huống như thế thường là giàu kịch tính. Truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan rất tiêu biểu cho kiểu truyệnn ngắn này.
Truyện ngắn có tình huống tâm trạng lại chủ yếu hướng tới việc khám phá tình cảm và tâm lí của nhân vật. Kiểu tình huống này gắn liền với kiểu nhân vật tâm tư, nhân vật tâm lí. Cái mà nhà văn đặc biệt quan tâm không phải là hành động bên ngoài, nhân vật làm việc này, việc nọ, mà là hành động bên trong, là tâm trạng, tâm lí, là dòng cảm xúc của nhân vật. Kiểu tình huống như thế thường tạo nên những truyện ngắn giàu chất trữ tình. Mỗi truyện ngắn như những bài thơ trữ tình viết bằng văn xuôi. Những truyện ngắn của Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nam Cao, Thanh Tịnh, Hồ ZDếnh, Nguyễn Thành Long, Đỗ Chu… là những truyện ngắn tiêu biểu cho kiểu tình huống này.
Loại tình huống thứ ba, có thể tạm gọi là tình huống nhận thức: Ấy là loại tình huống mà qua đó, nhân vật chính thể hiện quá trình nhận thức của mình. Những tình tiết, những cảnh được miêu trong truyện chủ yếu hướng tới việc cắt nghĩa giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật. Một tình huống như thế thường gắn với nhân vật tư tưởng. Tình tiết, chất liệu của truyện có khuynh hướng nghiêng về nhận thức. Nhà văn tập trung miêu tả những quan sát, phân tích, phán đoán, suy luận và suy lí của các nhân vật. Đây chính là kiểu truyện ngắn giàu chất triết lí. Mỗi cảnh thường chứa đựng trong đó những triết lí về con người và cuộc sống. Kiểu tình huống này, ta thường bắt gặp trong những truyện ngắn của Nam Cao và Nguyễn Minh Châu.
*
* *
Những truyện ngắn hay thường là những truyện xây dựng được những tình huống truyện độc đáo. Các truyện ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu),… là những truyện như thế.
Trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo. Đó là cuộc gặp gỡ kì lạ và cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có”. Huấn Cao, viên quản ngục và thầy thơ lại, trên bình diện xã hội, là những người đối lập với nhau. Huấn Cao là là một tên “đại nghịch”, một người cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình, bị bắt giam, và chỉ mai mốt đây đã bị giải vào kinh chịu cảnh chết chém. Hai nhân vật còn lại lại là những kẻ đại diện cho trật tự xã hội đương thời. Nhưng cả ba con người này đều là những tâm hồn nghệ sĩ, trên bình diện văn hoá, họ lại là những người tri âm, tri kỉ với nhau. Nguyễn Tuân đã ném những nhân vật của mình vào chốn ngục tù tàn bạo, đầy lọc lừa, tối tăm, nhơ bẩn, tạo nên một cuộc gặp gỡ kì lạ và cảnh cho chữ “xưa nay chưa từng có”, qua đó, làm nổi bật chủ đề của tác phẩm và vẻ đẹp rực rỡ, chói sáng của hình tượng Huấn Cao cùng với cái sở thích cao quý của viên quản ngục, “một tấm lòng trong thiên hạ”, “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”.
Nếu tình huống trong truyện ngắn Chữ người tử tù là một tình huống đậm tính chất lãng mạn, thì tình huống của truyện ngắn Vợ nhặt lại mang tính hiện thực sâu sắc. Đó là tình huống nhặt được vợ của anh cu Tràng – một anh nông dân xấu trai, ế vợ, nghèo lại là dân ngụ cư – giữa nạn đói khủng khiếp năm 1945, tự nhiên lại có vợ theo về. Một thứ vợ do nhặt nhạnh, nhặt một cách vu vơ mà có được (chứ không phải vì cưới). Đây là một tình huống vừa kì quặc, vừa oái oăm, vừa vui mừng, vừa bị thảm. Nào có quen biết gì đâu, chỉ có vài câu chuyện tầm phào và mấy bát bánh đúc mà Tràng có vợ theo. Cái giá của con người thật là rẻ rúng. Tình huống nói trên đã làm nổi bật tình cảnh thê thảm của người nông dân trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 (hơn hai triệu người đói); đồng thời, thể hiện một cách cảm động bản chất tốt đẹp của người nông dân lao động. Trong cảnh cùng cực, đói khát, gần kề cái chết, họ vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau. Vẫn không bao giờ mất hết niềm tin, vẫn khao khát sống, khao khát có một mái ấm gia đình, khao khát hạnh phúc. Đây chính là giá trị nhân bản sâu sắc của thiên truyện ngắn này.
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu lại tạo được một tình huống độc đáo khác, tạm gọi là tình huống nhận thức. Những tình tiết, các cảnh trong truyện, cảnh chiếc thuyền ngoài xa, “từ đường nét đến ánh sáng đều hài hoà và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”, cảnh người đàn ông thuyền chài đánh vợ một cách tàn nhẫn, cảnh người đàn bà được mời đến toà án huyện để giải quyết bi kịch gia đình,… đều dẫn đến sự bừng tỉnh, giây phút “giác ngộ chân lí”, làm sáng tỏ nhận thức mới mẻ của nhân vật Phùng và Đẩu: “Một cái mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển”.
Trần Đăng Suyền
Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học
Tham khảo thêm: Phương pháp tiếp cận và phân tích tác phẩm tự sự – Phần 2