Phương pháp chú giải học là một phương pháp có xuất xứ từ môn khoa học trong thần học: chú giải học [hay “thuyết chú giải”; tiếng Anh: “hermeneutics” (ở nước ta còn được dịch là “giải thích học”, “minh giải học”, “tường giải học”, “thông diễn học”)], có nhiệm vụ chú giải các văn bản thánh kinh. Phương pháp chú giải học  hiện đại trong nghiên cứu văn học chính thức được hình thành và phát triển từ những năm 1960, với đại diện tiêu biểu là nhà triết học người Đức Hans – Georg Gadanmer (1900 – 2002).

Nhưng nay từ thế kỷ XIX, các nhà triết học người Đức mà đại diện là Friedrich Schleiermacher (1768 – 1834) và Wilhelm Dilthey (1833 – 1911) cũng đã phát triển một lý thuyết chú giải học được gọi là chú giải học cổ điển: hai người cho rằng việc đọc hiểu một văn bản tác phẩm là một quá trình tái thiết về mặt tâm lý; nghĩa là, người đọc phải tái lập được dụng ý nguyên gốc của tác giả. Theo quan niệm này, văn bản là sự biểu hiện tư tưởng của tác giả, và người lý giải phải tìm cách đặt mình vào “tẩm nhìn” của tác giả để sống lại hành vi sáng tạo.

Kế thừa quan điểm của Marti Heidergger, Gadamer phát triển một lý thuyết chú giải học hiện đại với công trình Chân lý và phương pháp (1960), trong đó công trình này quan điểm về một phương pháp lý giải văn bản tác phẩm văn học căn cứ vào bối cảnh lịch sử thời hiện đại của chủ thể chú giải. Từ đó ông quan niệm lịch sử văn học phải là một “lịch sử của sự tác động văn học”. Đồng thời ông cũng đưa ra một luận điểm quan trọng cho rằng sự “dung hợp” giữa “tầm nhìn” và chủ thể chú giải với tầm nhìn của tác phẩm sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển chân lý. Chủ thể chú giải phải thực hiện một sự đối thoại với tác phẩm. Như vậy, luận điểm chủ chốt của Gadamer là muốn hiểu tác phẩm thì phải tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm – tức là muốn hiểu tổng thể thì phải hiểu bộ phận ngược lại; sau đó ta sẽ tiến hành đánh giá sự tác động của tác phẩm đến hiện thực lịch sử.

Trong khi đó ở bên kia Đại Tây Dương, tại Hoa Kỳ, nhà mỹ học Eric Donalb Hirsch lại tán đồng quan điểm chú giải học cổ điển trước đây của F. Schleiermacher, là quan điểm chủ trương việc chú giải văn bản phải nhằm vào việc tìm hiểu dụng ý của tác giả. Qua hai công trình chủ chốt của mình là Tính lôgíc của sự chú giải (1967) và mục đích của sự chú giải (1976), Hirsch cho rằng tác giả văn bản văn học có giá trị cao hơn người đọc, và thành tựu của tác giả là ngang bằng với dụng ý của anh ta. Do đó nhiệm vụ của người đọc là phải tìm hiểu được dụng ý đó. Hirsch nhắc nhở chúng ta rằng truyền thống của chú giải học đã có cội nguồn từ việc chú giải thánh kinh, cho nên chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy lý thuyết chú giải học của ông muốn coi tác giả là Thượng Đế. Quan điểm cực đoan của Hirsch có thể dẫn đến một thái độ độc đoán cứng nhắc trong nghiên cứu khoa học, bóp nghẹt óc sáng tạo của sinh viên, làm cho họ chán nản và thậm chí có thái độ sợ hãi đối phó. Xu hướng cực đoan đề cao tác giả của lý thuyết chú giải học như vậy tất yếu sẽ dẫn đến một xu hướng cực đoan ngược lại: xu hướng đề cao người đọc, đắc biệt là xu hướng của chủ nghĩa hậu cấu trúc.

Tóm lại, dù là đề cao vai trò của chủ thể chú giải hay đề cao vai trò của chủ thể sáng tác, thì chú giải học nói chung đều nhấn mạnh đến óc chủ động tìm hiểu của người chú giải. Đó cũng là điều nhấn mạnh hợp lý. Như thế ta có cảm giác là chú giải học có phần giống với hiện tượng học. Nhưng cái khác nhau căn bản giữa chúng là khi hiện tượng học nhấn mạnh tính dụng ý chủ quan của người tiếp nhận trong công việc rút ra các ý nghĩa khả dĩ của văn bản tác phẩm, thì chú giải học nhấn mạnh đến khả năng lĩnh hội của người tiếp nhận đói với ý đồ khách quan của văn bản tác phẩm. Cho nên, nếu ta loại bỏ những khía cạnh cực đoan của lý thuyết chú giải học để chỉ ra những bài học về phương pháp, thì phương pháp chú giải học cũng có thể có nhũng đóng góp nhất định cho việc tìm hiểu tác phẩm văn học và trở thành một phương pháp bổ sung cho kho tàng phương pháp của nghiên cứu khoa học.

Nguyễn Văn Dân

Xem thêm: Phương pháp luận nghiên cứu văn học: Phương pháp trực giác