Ở phố thì có âm thanh gì? Tiếng động của xe cộ ư? Thì thành phố nào chả có. Âm thanh của phố ở đây là những thanh âm đặc biệt mà phố Hà Nội sở hữu.
1. Phố Lò Rèn và Hàng Thiếc là 2 con phố hiếm hoi trong khu phố cổ còn giữ được nghề truyền thống của mình. Phố Hà Nội xưa có rất nhiều phố nghề, vì cư dân thành phố cơ bản là các thợ giỏi, thợ khéo từ các nơi đổ về cùng với gia đình của họ, rồi quần cư thành làng, thành phố. Các tên phố có chữ “Hàng” chính là minh chứng rằng, Hà Nội đã từng là thành phố của rất nhiều làng nghề bận rộn.
Nhưng theo thời gian, các phố nghề mất dần, chỉ còn các phố buôn bán các mặt hàng đặc trưng theo tên gọi. Rồi những phố bán những mặt hàng đặc trưng cũng phai nhạt, biến đổi dần theo thời gian và sự phát triển. Bây giờ gần như bất cứ con phố nào ở Hà Nội cũng là phố buôn bán và phố nghề thì hiếm lắm thay.
Chính ở phố Lò Rèn và Hàng Thiếc này, ta nghe thấy thanh âm đặc biệt của phố. Với tiếng kim khí xủng xoảng chạm vào nhau, Hàng Thiếc là nơi sản xuất các đồ dùng bằng tôn, bằng thiếc. Các dụng cụ gia đình như bếp, thùng, nồi, chậu… và các vật liệu phụ trợ cho ngành xây dựng được sản xuất luôn trên phố. Ta nghe thấy âm thanh của tiếng cưa, tiếng đục, tiếng cắt, tiếng mài, tiếng dũa dồn vang.
Đi từ đầu phố hoặc thậm chí ở các phố lân cận đã nghe thấy âm thanh đó. Tiếng của kim loại chạm vào nhau không dễ chịu lắm nhưng là thứ đặc trưng của phố nghề. Phố Lò Rèn gần đó cũng tương tự. Cũng là những mặt hàng kim khí sản xuất ngay tại phố. Những thanh âm giống như ở Hàng Thiếc nhưng thậm chí có những âm thô, mộc và mạnh hơn, tiếng búa của những hàng cơ khí, hàng rèn nện xuống mặt kim loại nghe chát chúa.
Ở đầu phố Giảng Võ ta cũng nghe thấy âm thanh của một đoạn phố làm cửa sắt cầu thang inox. Âm thanh ở đây thì còn âm vang hơn nữa vì máy cắt, máy hàn làm việc với những khối, thanh thép đặc, những tia lửa bắn ra như mưa cầu vồng. Đi trong phố, khách du lịch bỗng ngạc nhiên nghe thấy âm thanh của máy cắt, của búa tạ nện xuống. Trong phố Hà Nội cũng có những âm thanh này ư? Có chứ. Vì sự đa dạng ấy làm nên sự phong phú bộn bề của một đô thị lớn, thành phố lúc nào cũng chuyển động trong cuộc mưu sinh của hàng triệu người.
2. Nhưng phố cũng có những âm thanh dễ chịu hơn nhiều. Đó là âm thanh của cái chợ chim quanh khu vực dốc Tam Đa, đường Hoàng Hoa Thám. Đây là một cái chợ chim tự phát lớn nhất của Hà Nội với đủ thứ chim. Chào mào, sáo, họa mi, cu gáy… Mỗi loài chim cho một âm thanh khác nhau. Chim được tập trung nhiều ở một khu nên chúng càng cố cất giọng để đua chen. Tiếng chim ríu ran, tiếng người ồn ào bình xét. Tiếng những con chim ở trong lồng kín nhưng vẫn muốn cất cao tiếng hót của mình để ganh đua với loài khác hoặc để quên đi hoàn cảnh mất tự do của mình. Loài chim cất tiếng hót trong lồng, đó là thanh âm vừa dễ chịu vừa mang một nỗi buồn man mác…
Nghe thấy tiếng chim giữa thành phố, những người lần đầu đến nơi này cũng phải ngạc nhiên. Thì đã có âm thanh của sắt thép, kim khí phố Lò Rèn, Hàng Thiếc, Giảng Võ thì cũng có âm thanh của chợ chim nơi dốc Tam Đa, đường Hoàng Hoa Thám này. Thanh âm ấy tuy chỉ ở một không gian nhỏ nhưng là một cung bậc khác thường, lạ lẫm giữa một thành phố lớn.
Và còn ai nghe thấy những tiếng rao trong đêm. Ngày xưa nghèo khó, Hà Nội nghe thấy nhiều tiếng rao đêm ấy lắm, tiếng rao của người bán bánh mì, cháo, bánh khúc, xôi, khoai nướng, trứng luộc… Tiếng rao cất lên trong đêm, thường vào những quãng thanh vắng, nghe mà thấy một sự xa xôi, buồn tủi nào đấy. Người trong nhà mở cửa, gọi anh bán bánh mì, chị bán cháo, bà bán bánh khúc… lại mua một ít quà ăn lót dạ, hoặc cũng vì nghe tiếng rao ấy có một chút gì thân thuộc, tủi thân mà mua đỡ thêm nữa.
Giờ thì những tiếng rao đêm của Hà Nội vẫn có nhưng ít dần. Trong những khu phố vắng, khu tập thể, ta vẫn nghe thấy tiếng rao. Những người bán hàng thường trông rất lam lũ, người ngoài tỉnh hoặc dân thành thị nghèo kiên nhẫn bán những món quà vặt để mưu sinh hàng ngày. Cái tân tiến hơn ngày trước một chút là người bán hàng đôi khi dùng cái loa thu âm sẵn mà phát ra tiếng rao, không rao trực tiếp nữa vì khản cổ, rát họng mà âm thanh lại không vang vọng.
3. Bên Hồ Gươm, những ngày cuối tuần là âm nhạc và lễ hội đường phố. Có những toán thanh thiếu niên mở nhạc rock, nhạc mạnh để nhảy những vũ điệu rất cuồng nhiệt và sôi động. Nhưng ta vẫn bắt gặp nơi góc phố những nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân gian say mê với những bản nhạc đủ các cung điệu, nhạc Việt, nhạc nước ngoài, thu hút rất đông người nghe. Cứ cuối tuần, tôi thường đưa con gái nhỏ của tôi ra đấy, cả nhà chăm chú lắng nghe dù bản nhạc ấy nghệ sĩ đã chơi nhiều lần, nhưng nghe lần nào cũng thấy hứng thú và cảm xúc.
Cái kỳ diệu của âm nhạc đường phố là không cần quá cầu kỳ, phức tạp mà vẫn có hiệu quả. Nó gần gũi, mộc mạc, tương tác trực tiếp với người nghe và những tiếng vỗ tay tán thưởng có lẽ là phần thưởng lớn hơn bất cứ thứ gì khác dành cho người nghệ sĩ. Cùng với sự phát triển của các phố đi bộ, lễ hội đường phố, âm nhạc đường phố dần dần trở thành món ăn tinh thần ưa thích của người Thủ đô. Hà Nội trở nên gần gũi và sôi động hơn ở những điểm nhấn cụ thể, thu hút được cư dân của mình và khách du lịch.
Âm thanh của thành phố, bạn đã bao giờ dành một khoảng lặng để lắng nghe nó chưa. Không chỉ là tiếng xe cộ, nói cười, còn rất nhiều những thanh âm của muôn mặt đời sống mà chỉ cần dịu lại đôi chút là có thể thưởng thức, suy ngẫm và đắm chìm trong nó.
Uông Triều